Tăng cường các biện pháp khai thác thủy sản an toàn

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 25/05/2024 10:00 GMT+7

VTV.vn - Để chống khai thác IUU, các địa phương đang đẩy mạnh việc giám sát thực hiện nhằm đảm bảo không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Vừa qua, ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất với Việt Nam sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2024 về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Để chống khai thác IUU đồng thời phát triển bền vững ngành thủy sản, các địa phương đang đẩy mạnh việc giám sát thực hiện nhằm đảm bảo không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Quảng Bình và Quảng Trị, có đội tàu đánh bắt khá lớn, với gần 5.800 chiếc. Nhiều ngư dân ở 2 địa phương này đã dần hiểu hơn việc khai thác thủy sản hợp pháp, có lợi như thế nào.

"Ra tới biển, máy giám sát hành trình của tôi phải duy trì 24/24. Đánh bắt về thì nguồn gốc của mình nó rõ ràng hơn, cá sẽ bán được giá", anh Ngô Văn Ánh - Chủ tàu QT94295, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ.

"Ngư dân chúng tôi đánh bắt về không chỉ bán nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi rất tuân thủ theo quy định của IUU, ghi nhật ký đúng ngày xuất phát, ngày đánh, điểm đánh", anh Lê Trung Lợi - Xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thông tin.

Thời gian qua, vấn đề quản lý các tàu cá như: giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình, luôn được các địa phương quan tâm, triển khai quyết liệt.

Nhờ vào công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các tàu cá ra vào nhập cá ở các cảng. 5 tháng đầu năm này, tỉnh Quảng Trị đã giám sát sản lượng đạt hơn 30%, nằm trong tốp đầu cả nước về giám sát sản lượng các tàu cá.

Hiện các tỉnh miền Trung vẫn còn có một số khó khăn đó là một số cảng cá đang trong thời kỳ nâng cấp sửa chữa, gây khó khăn trong việc giám sát sản lượng. Đơn cử như hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có gần 700 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác.

Đại Úy Phạm Quang Hùng - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Đồn biên phòng Nhật Lệ, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: "Cán bộ biên phòng đều đề nghị cho ngư dân viết cam kết khi vươn khơi, bám biển, đánh đúng bờ, đúng tuyến, không vượt qua ranh giới. Đặc biệt, chúng tôi quản lý chặt chẽ 100% các tàu vô ra cửa biển".

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan, sử dụng hệ thống nhật ký điện tử, để kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu rời cảng, cập cảng. Thông qua giám sát hành trình, yêu cầu các đơn vị theo dõi, kiểm soát, xử lý các tàu vi phạm. Đảm bảo các chỉ tiêu, để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu", ông Lê Đức Thắng - Phó Trưởng phòng Khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản Quảng Trị thông tin.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt của Quảng Bình và Quảng Trị là hơn 35.600 tấn thủy hải sản. Các ngành chức năng ở hai tỉnh này vẫn luôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá hoạt động trên biển, tại các cửa lạch, cảng cá nhằm nguồn gốc thủy sản được kiểm soát đảm bảo, để hướng đến các thị trường trong và ngoài nước.

Nâng cao năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu

Tăng cường các biện pháp khai thác thủy sản an toàn - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Bên cạnh việc tăng cường chống khai thác IUU, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chú trọng nâng cao năng lực chế biến thủy hải sản. Bằng việc đầu tư máy móc thiết bị chế biến cao cấp, các doanh nghiệp thủy sản đã từng bước đưa chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài có yêu cầu cao.

Công ty thu mua chế biến thủy hải sản đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, để mua sắm máy móc, nâng cao năng lực chế biến. Từ chỗ công ty thu mua 3 đến 5 nghìn tấn cá mỗi năm, giờ công ty đã thu mua khoảng trên dưới 15 nghìn tấn cá. Sản phẩm xuất khẩu của công ty là chả cá Surimi...

"Hầu như các sản phẩm của chúng tôi, có mặt khắp trên thế giới. Châu Mỹ, châu Âu, châu Á và gần đây chúng tôi đã tiếp cận một thị trường rất tiềm năng là Ấn Độ và Trung Quốc", ông Lê Thế Thứ - Quản đốc phân xưởng sản xuất Surimi, Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng, Quảng Trị cho biết.

Nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản ở các địa phương đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thực hiện đúng theo những cam kết với ngư dân trong việc thu mua thủy hải sản.

"Mỗi chiếc tàu bình quân đánh bắt vào mùa này khoảng 2 tấn cá trích, bán 2 tấn, trừ chi phí còn khoảng 25 triệu đồng. Chúng tôi chỉ lo đánh bắt, đầu ra rất yên tâm vì có công ty thu mua", ông Nguyễn Hùng Cường - Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị chia sẻ.

Ông Phạm Văn Quyết - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 5 Sao, Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi đang sử dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP. Tăng cường thêm quản lý KCS trên dây chuyền và thực hiện theo giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn BRC, để tiếp cận thêm thị trường rộng hơn".

Hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, có khoảng 122 cơ sở chế biến thủysản. Trong đó có 03 doanh nghiệp xuất khẩu, trên 100 cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa. Thị trường chính là Trung Quốc, Nhật bản, Thái Lan với các sản phẩm như các loại cá hấp khô, cá nục đông lạnh, chả cá.

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: "Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Quy hoạch, đưa các cơ sở chế biến theo hướng quy mô tập trung, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu".

Hiện tại, các tỉnh miền Trung đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là xúc tiến thương mại đảm bảo kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước