Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 với các thửa đất hơn 500m2.
Trước đó, một số điểm nóng như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đã từng phải dừng việc phân lô tách thửa trong 1 thời gian nhất định, để ổn định thị trường. Theo các chuyên gia, cần có giải pháp tổng thể hơn để ngăn chặn hiện tượng đầu tư nhiều bất cập này. Còn theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, những lô đất được phân lô nhỏ thế này chưa chắc đã thật sự có tiềm năng tốt như quảng cáo.
Thời gian qua, việc đi gom đất rồi tách thửa phân lô diễn ra rầm rộ, nhiều lô đất chỉ để mua đi bán lại kiếm lời không phải đầu tư để sử dụng lâu dài. Theo các chuyên gia, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho quy hoạch, phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói: "Đây là một trong các hoạt động mà tôi cho rằng chính là nguyên nhân tạo ra các cơn sốt đất, sự hỗ loạn tại nhiều địa phương trong giai đoạn vừa qua. Đây cũng là một trong các hành vi mà chúng tôi cho là lách luật, chúng tôi gọi là tạo ra hàng hóa lậu trên thị trường bởi họ lách, đó không phải là dự án chính thống được nhà nước phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư."
Theo ông Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: "Việc siết phân lô bán nền nhằm đảm bảo nguồn hang đưa ra thị trường đúng và đủ pháp lý, làm nhà đầu tư chậm lại một bước để từ đó đầu tư cho thỏa đáng, chính xác, đảm bảo đúng đủ nhu cầu, không bị ảo theo dòng tiền chảy vào".
Mặc dù đồng tình với việc siết phân lô tách thửa nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, việc siết không nên thực hiện theo cách đánh đồng mà cần được thực hiện có sự linh hoạt theo các điều kiện thực tế của từng khu vực.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Nếu khu vực nào không nhất thiết quy hoạch thành khu vực lớn, khu dân cư lớn thành cánh đồng lớn thì không nhất thiết cấm đoán việc đó. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra ở khu vực mật độ dân cư vô cùng đông đúc, chật chội, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, dứt khoát không cho phép phân lô bán nền. Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn".
Ngoài ra, việc siết phân lô tách thửa chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, vì thực tế pháp luật hiện nay không cấm hoạt động này. Vì vậy, giải pháp lâu dài là Nhà nước cần phải xây dựng công cụ thuế đối với việc đầu cơ đất đai chỉ để bán sang tay mà không đưa vào sử dụng.
Ngay sau khi Hà Nội ban hành văn bản tăng cường quản lý việc tách thửa đất, hợp thửa đất thì tình hình đi mua gom đất nông nghiệp, rồi tìm cách chia nhỏ, đã tạm thời lắng lại. Thậm chí, một lô đất lớn, có diện tích trên 500m2 còn được rao bán giảm giá nhẹ, từ 1-2 triệu đồng/m2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!