Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đánh giá cao sự chủ động tích cực của Việt Nam trong việc tham gia vào tiến trình thuận lợi hóa, trung chuyển thương mại quốc tế, một vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia không có biển trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Vientiane dài hơn 750km được Chính phủ Việt Nam và Lào ký thỏa thuận đầu tư cuối năm 2016.
Đây là tuyến đường có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước. Việc đầu tư dự án này không chỉ hình thành tuyến giao thông kết nối Thủ đô Vientiane với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam mà còn kết nối với mạng lưới cao tốc của Thái Lan và Myanmar tạo thành Hành lang Đông Tây vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh dự án Cao tốc Hà Nội - Vientiane, thành công của mô hình "Một cửa một lần dừng" tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và Densavan (tỉnh Savanakhet, Lào) hay các tuyên bố gần đây của Chính phủ Việt Nam về việc tạo điều kiện cho Lào khai thác cảng biển miền Trung đã được nêu ra là những điển hình của hợp tác, tạo thuận lợi cho trung chuyển, thương mại quốc tế tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc khu vực Á - Âu diễn ra trong 3 ngày vừa qua tại Hà Nội.
Các nhà Lãnh đạo, chuyên gia đến từ 29 tổ chức Quốc tế và 40 quốc gia đều khẳng định, chỉ có Chung tay hành động và quan hệ đối tác toàn cầu mới có thể giúp các nước không có biển trở thành các nước kết nối với đất liền, thúc đẩy trung chuyển và thương mại quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!