Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/07/2023 21:25 GMT+7

VTV.vn - Tín dụng vẫn tăng chậm dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ.

Cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ

Để giải bài toán trên, bên cạnh giảm lãi suất, cần thực hiện thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác tạo đầu ra cho doanh nghiệp. Thị trường, đầu ra và chính sự minh bạch của doanh nghiệp đang là những điều cần được khai thông để từ đó dòng chảy của đồng vốn mới suôn sẻ không bị ngưng trệ hoặc tắc nghẽn.

Đến thời điểm này, lãi suất điều hành đã liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Lãi suất cho vay cũng đã giảm tương ứng. Nhưng tín dụng vẫn tăng chậm, hiện chỉ đạt 4,73%. Các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng kích cầu vay vốn nhưng đầu ra, thị trường tiêu thụ khó khăn đã khiến cho tín dụng gặp trở ngại.

Cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền… đã được nhiều ngân hàng triển khai để giảm bớt các điều kiện về tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp. Nhưng cho vay tín chấp hiện nay chiếm tỷ lệ còn rất ít. Nguyên nhân là bởi hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tồn tại 2 hệ thống sổ sách: Một để nộp thuế, một để đi vay ngân hàng. Trong khi việc cho vay phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 4,73% so với cuối năm ngoái. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia, ngoài cơ chế để khơi thông dòng vốn, cần thực hiện đồng bộ với cùng cả các chính sách tài khoá, chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó, chú trọng vào thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để bù đắp cho sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo, World Bank Việt Nam cho biết: "Tôi cho rằng một trong những biện pháp then chốt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, quá trình này giúp cải thiện hạ tầng công cộng, nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước".

Để tăng khả năng tiếp cận vốn thì doanh nghiệp cần khơi thông trước nhất là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tăng tính minh bạch, tạo niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất thủy sản, lâm sản

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thì nhiều chương trình tín dụng đã được thiết kế theo từng chuyên ngành đặc thù, thủy sản là một ví dụ. Thủy sản là một trong những ngành có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất thời gian qua. Trong khi đó giá thức ăn thủy sản tăng 8 - 10% khiến tỷ suất lợi nhuận càng bị thu hẹp.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý III, quan trọng là doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn lực tài chính, từ đó sẵn sàng nguồn nguyên liệu để đón bắt cơ hội. Gói tín dụng 15 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi dành cho thuỷ sản, lâm sản vừa được công bố là một trợ lực.

Kỳ vọng vào sự phục hồi trong chuyến hàng cuối năm, hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản đang xây dựng lại phương án sản xuất, lên kế hoạch thu mua nguyên liệu để sẵn sàng xuất khẩu, mà trước mắt là chuẩn bị vốn.

Ông Kosaburo Kimura - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín, Bình Định cho biết: "Chúng tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống cấp đông băng chuyền, cấp đông nhanh. Cần phải huy động vốn từ ngân hàng, giảm lãi suất vay vốn để doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn".

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thì nhiều chương trình tín dụng đã được thiết kế theo từng chuyên ngành đặc thù. Ảnh minh họa.

Chương trình tín dụng cho lâm, thủy sản có mức lãi suất thấp hơn khoảng 1 - 2% so với mức cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Quy mô khoảng 15 nghìn tỷ đồng, cao hơn 5 nghìn tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Việc thiết kế các gói tín dụng theo từng ngành, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng được cho là giải pháp hiệu quả trước mắt, nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết: "Trước đó khi chưa có gói hỗ trợ thì chúng tôi cũng đã ưu tiên cho vay các hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản rồi, thêm gói hỗ trợ này nữa chúng tôi có thêm dư địa để hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu".

Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I trên địa bàn triển khai chương trình này.

Việc triển khai chương trình cho vay đối với những lĩnh vực cụ thể tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với kỳ vọng đạt nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Gỡ “nút thắt” tín dụng: Cần thúc đẩy đầu ra cho doanh nghiệp Gỡ “nút thắt” tín dụng: Cần thúc đẩy đầu ra cho doanh nghiệp

VTV.vn - Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và thúc đẩy cho vay, bên cạnh giảm lãi suất, nhiều chính sách hỗ trợ cần được thực hiện để tạo đầu ra cho DN, từ đó tăng nhu cầu hấp thụ vốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước