Sau rất nhiều chờ đợi của cộng động doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 về khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020-2024, với mức tăng chung 20%. Theo đó, khung giá đất chung vẫn quy định giá tối thiểu, tối đa cho các vùng. Cụ thể khung giá áp tối thiểu 40.000 - 120.000 đồng/m2 và tối đa 48 - 162 triệu đồng/m2.
Khung giá đất của Chính phủ ban hành sẽ là căn cứ để các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh giá đất ở địa phương.
Mặc dù khung giá đất là cơ sở chính là để tính thuế nhưng nhiều ý kiến lo ngại khung giá đất tăng sẽ có tác động nhất định tới giá thành bất động sản. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng giá bất động sản chưa chắc đã bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi có thông tin về việc Chính phủ tăng khung giá đất, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá bán sản phẩm bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng khung giá không ảnh hưởng đến thị trường. Vì trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đang bán giá nhà cao hơn rất nhiều so với mức khung giá đất mà Nhà nước ban hành. Số tiền nộp thuế phí theo khung giá đất chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số tiền bán nhà.
Khung giá đất do Nhà nước ban hành chủ yếu được áp dụng để tính thuế, phí cho doanh nghiệp sử dụng đất. Đối với các trường hợp không sử dụng đất, bỏ hoang nhiều năm, số tiền phải nộp thuế, phí càng lớn. Đây sẽ trở thành "gánh nặng" cho các doanh nghiệp cố tình găm đất, bỏ hoang đất.
Một thống kê gần đây cho thấy, giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM đang cao gấp 15 - 20 lần thu nhập của người dân. Các chuyên gia nhận định, nhiều DN có thể mượn có giá đất tăng để tăng giá bán. Nhưng nếu tăng giá quá cao, người dân không thể mua được, chính doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!