Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thuế trên giá bán lẻ ở mức 42% của Việt Nam là mức thuế thấp thứ 9 trong khu vực Đông Nam Á và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp đang có mức 80%, Đức 73% và Australia là 60%.
Tại Thái Lan trung bình cứ 1 năm rưỡi lại tăng 1 lần thuế đối với thuốc lá. Nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt hiện ở mức gần 2 triệu USD mỗi năm. Nguồn thu này nhiều gấp đôi nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Chánh văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia cho biết: “Việc tăng thuế thuốc lá đã được WHO và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho là một trong những giải pháp cần thiết, hữu hiệu và chiếm khoảng 5% trong thành công của các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá".
Khảo sát ở một số quốc gia cho thấy, nếu tăng thuế ở mức giá thực của thuốc lá lên 10% có thể khiến 40 triệu người hút thuốc lá từ bỏ thuốc và ngăn ngừa ít nhất 10 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá. Theo tính toán của các chuyên gia, tăng thuế là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết nhất để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bằng chứng từ các nước có mức thu nhập khác nhau cho thấy, việc tăng giá thuốc lá có tác động mạnh đến giảm nhu cầu. Thuế cao hơn khiến một bộ phận người hút thuốc lá từ bỏ thuốc và ngăn chặn một bộ phận không bắt đầu hút thuốc. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, bên cạnh một lộ trình tăng thuế thích hợp, cần tăng cường kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả khi thuế và giá tăng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.