Thuế Giá trị gia tăng VAT là loại thuế gián thu được áp dụng lên đa số hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày. Tờ Tuổi trẻ thực hiện ngay một bảng chi tiêu cơ bản cho gia đình 4 người.
Chi phí hiện tại là 14,07 triệu đồng, nếu tăng VAT sẽ là 14,324 triệu đồng. Tăng VAT là mớ rau con cá cũng tăng, mỗi thứ tăng một chút nhưng mọi thứ trong nhà đều tăng sẽ thành một khoản lớn.
Nguyên nhân Bộ Tài chính đưa ra là mức 10% như hiện tại là tương đối thấp, chưa phù hợp thông lệ quốc tế và khó đảm bảo an toàn tài chính. Khi có nợ công cao, các quốc gia đều có xu hướng tăng thuế gián thu để tăng ngân sách. Chưa kể mức VAT các nước châu Âu đều tầm 20%. Mặc dù đây mới chỉ là định hướng sửa đổi chính sách và cơ quan quản lý cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều nhưng kịch bản tăng thuế đã được người dân và doanh nghiệp đặt ra 2 câu hỏi.
Người dân băn khoăn cơ quan quản lý nên căn cứ mức sống thay vì so sánh với các nước phát triển và thay vì chọn thu từ túi tiền người dân, Bộ Tài chính nên nghiên cứu cách thu thuế của những đối tượng khác đang bị sót lọt.
Trong khi đó, câu hỏi của doanh nghiệp là tại sao không nghĩ nếu thuế không tăng, chi phí giảm, lợi nhuận sẽ tăng thì thuế thu nhập DN sẽ thu được nhiều hơn? Thời báo Kinh doanh trích dẫn.
Đối với sức khỏe nền kinh tế, tăng VAT đồng nghĩa sức mua và nhu cầu chi tiêu giảm, dẫn đến không khuyến khích sản xuất và tiêu dùng quốc gia, thậm chí, môi trường đầu tư kém hấp dẫn vì nhà đầu tư nước ngoài thích dồn vốn vào nơi có chỉ số tiêu dùng cao. Ý kiến của tờ Người lao động.
Với các cam kết hội nhập quốc tế, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu, thậm chí về 0%. Nhưng nếu lại tăng thuế nội địa nhằm cơ cấu nguồn thu, tác dụng giảm thuế sẽ không còn ý nghĩa. Có người ví von việc giảm thuế như đào hố để trồng cây, cây lớn sẽ ra hoa kết trái, nhưng nếu chỉ sợ đào hố sẽ để lại lỗ trống trên đường và lập tức lấp ngay bằng tăng thuế nội địa thì cuối cùng sẽ không có cái cây nào mọc lên cả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!