Tính riêng tuần cuối của tháng 9, tín dụng tăng thêm khoảng 1 điểm %, tương đương trên 120.000 tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn dần quay trở lại. Việc giảm lãi suất bắt đầu thẩm thấu, trước hết là những ngành hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu cuối năm.
Trong lần phê duyệt giá bán mới nhất, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt quyết định giữ giá ổn định từ nay đến Tết Nguyên đán. Một phần nhờ doanh nghiệp vừa được tiết kiệm được lãi suất vay lưu động 1 - 2%.
"Trong khi các chi phí đầu vào đều tăng, chi phí lãi vay giảm, góp phần giúp chúng tôi giảm giá thành, từ đó tạo giá bán bình ổn tốt hơn", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Riêng tuần cuối của tháng 9, tín dụng tăng thêm khoảng 1 điểm %, tương đương trên 120.000 tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Còn Công ty Thương mại Dịch vụ Hà Lan hiện đã lên kế hoạch tăng chuyến trước cao điểm đi lại cuối năm. Doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn vốn để nâng cấp phương tiện đáp ứng.
Với những ngành hàng xuất khẩu chủ lực cuối năm như nông nông, lâm, thủy sản, nhiều ngân hàng cho biết sẵn sàng mở rộng hạn mức. Riêng gói tín dụng 15.000 tỷ đồng ưu đãi lĩnh vực này hiện đã giải ngân được một nửa số tiền cam kết sau khoảng 3 tháng triển khai.
Dù đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết lãi vay mới giảm ở kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng, dao động khoảng 6 - 8%. Còn vay trung hạn tại một số nơi vẫn khá cao trên 10%. Ngoài ra, các thủ tục vay vốn cần được tháo gỡ hơn nữa.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!