Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu năm nay, ảnh hưởng bởi COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế cần nguồn lực để khôi phục một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, ngành ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng hơn nữa. Do vậy, dự kiến tăng trưởng tín dụng 12% sẽ được điều chỉnh khi cần thiết. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành một cách ổn định, linh hoạt, tuân theo các tín hiệu của thị trường.
"Tăng trưởng tín dụng theo chủ trương, định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. Thông báo, định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay", ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định.
Nếu năm nay, ảnh hưởng bởi COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế cần nguồn lực để khôi phục một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, ngành ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng hơn nữa. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong năm 2020, mặt bằng lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%/năm, lãi suất tiền gửi giảm 0,6 - 1%, lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 1%. Tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, mức tăng 12,13%.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, một trong những điểm nhấn của ngành ngân hàng năm qua là đã vào cuộc một cách nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc khoanh, giãn nợ trước những tác động tiêu cực của COVID-19. Thông tư 01 về hỗ trợ khách hàng đang được tiếp tục xem xét, điều chỉnh.
"Việc sửa Thông tư 01 theo hướng tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến sự an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, kể cả trong ngắn hạn, cũng như sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn và dài hạn", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Mức tăng trưởng tín dụng 12% sẽ được điều chỉnh, tùy thuộc sức khỏe của nền kinh tế cũng như nhu cầu vốn thực tế của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh việc khoanh, giãn nợ theo Thông tư 01 sửa đổi sẽ theo hướng phù hợp với tình hình tài chính, sức khỏe của từng ngân hàng. Việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ được quy định với một tỷ lệ nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 3 năm, để ngân hàng có lộ trình xử lý phù hợp.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, số liệu mới nhất cho thấy, lượng khách hàng được cơ cấu nợ, khoanh giãn nợ theo Thông tư 01, với các khoản vay ngắn hạn, bắt đầu có xu hướng giảm dần, cho thấy các tín hiệu phục hồi tích cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!