Tăng trưởng xanh giúp nâng vị thế ASEAN trong chuỗi cung ứng

VTV Digital-Thứ tư, ngày 05/04/2023 18:14 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của ADB nhấn mạnh "xanh hoá" nền kinh tế là giải pháp quan trọng nhất nếu khu vực muốn duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN), hiện nay cứ 4 việc làm sẽ có 1 công việc liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đều đang suy giảm, dự báo kinh tế thế giới năm 2023 của các tổ chức quốc tế đều thấp hơn năm ngoái. Đặc biệt, những bạn hàng nhập khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều tăng trưởng giảm hoặc không tăng trưởng thì chuỗi cung ứng sản xuất tại ASEAN phần nào cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Vậy làm thế nào để ASEAN có thể duy trì và tăng cường vị thế của khối trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm chống chịu trước những thách thức mới. Câu trả lời đó là tăng trưởng xanh - đây là nội dung trong báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tuần qua.

Báo cáo "ASEAN và các chuỗi cung ứng toàn cầu: Xem xét khả năng chống chịu và tính bền vững" của ADB nhấn mạnh "xanh hoá" nền kinh tế là giải pháp quan trọng nhất nếu khu vực muốn duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang dần thu hẹp do các chính sách chuyển dịch nhà máy sản xuất về nơi tiêu thụ của Mỹ và châu Âu.

Các nước thành viên ASEAN cần: Tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Khuyến khích giảm chi phí giao dịch cho các hàng hóa thông minh với khí hậu, tức những sản phẩm được sản xuất dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường; Tăng tốc quá trình chuyển đổi số; Định giá và thiết lập thị trường mua bán Carbon…

Tăng trưởng xanh giúp nâng vị thế ASEAN trong chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Tăng trưởng xanh giúp nâng vị thế ASEAN trong chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa.

Hiện 9/10 quốc gia thành viên ASEAN cam kết sẽ thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Riêng Indonesia đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2060.

Ông Janes Villafuerte - Chuyên gia Mạng lưới chính sách ASEAN, Ngân hàng ADB cho biết: "Nếu các nước thành viên ASEAN thực hiện đúng cam kết về đóng góp do quốc gia tự quyết định liên quan đến phát thải khí nhà kính vào năm 2030, khu vực chỉ cần đầu tư 50,1 tỷ USD/năm trong chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải trong nông nghiệp, công nghiệp… Nhưng nếu thất bại trong giảm thải khí nhà kính, thiệt hại mà nền kinh tế cả khối ASEAN ước tính lên tới 306 tỷ USD/năm, gấp 6 lần con số đầu tư để chuyển đổi nền kinh tế xanh".

Áp lực sản xuất xanh khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của ASEAN đang ngày càng tăng. Bắt đầu từ tháng 10/2023, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong quá trình sản xuất hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Có khoảng 75 triệu lao động ASEAN đang tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy nếu không kịp thích ứng với những sự yêu cầu hay quy định "xanh" trong sản xuất, tác động tới thị trường lao động khu vực là rất lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước