Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt là nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, các mô hình kinh tế tập thể ở nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Đây cũng là một thành tố quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, đầu năm nay, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.
Gia tăng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao
Hơn 1.700 hợp tác xã trên cả nước đã ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp.
Cánh đồng thông minh của HTX Mỹ Đông 2, Đồng Tháp sử dụng mạng lưới quan trắc nước theo công nghệ điện toán đám mây. 15 phút một lần, dữ liệu về độ mặn ngoài cửa sông sẽ được truyền tới điện thoại của nông dân. Trong nội đồng, máy cảm biến cũng báo cho bà con biết khi nào cần lấy nước vào hoặc đưa nước ra bằng máy bơm tự động.
HTX ứng dụng công nghệ cao sẽ còn tăng trong những năm tới khi tư duy và trình độ nhân lực HTX tiếp tục thay đổi.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, miền núi phía Bắc là vùng có nhiều nhất với 440 HTX và ít nhất là khu vực Nam Trung bộ với 67 HTX.
"Chúng tôi đang đặt mục tiêu đến 2025 đạt 3.000 - 4000 HTX. Nhưng quan trọng hơn là mở rộng quy mô đầu tư về công nghệ cao trong HTX, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ cao có thế mạnh, ví dụ như sinh học, giống", ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho biết.
Dùng máy bay phun thuốc trừ sâu đã là hình ảnh quen thuộc tại nhiều cánh đồng trên cả nước. Nếu lấy hiệu quả kinh tế làm động lực, thước đo để phát triển HTX nhằm bảo đảm quyền lợi của các thành viên thì khi đó công nghệ cao sẽ là đòn bẩy.
HTX ứng dụng công nghệ cao sẽ còn tăng trong những năm tới khi tư duy và trình độ nhân lực HTX tiếp tục thay đổi.
Hợp tác để thích ứng với tình hình mới
Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 vừa được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh kinh tế hợp tác là 1 trong 4 thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Những thách thức và hạn chế nội tại đòi hỏi khu vực kinh tế này phải tăng cường liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, tương trợ nhau cùng phát triển.
Cả nước hiện có hơn 145.000 hợp tác xã và tổ hợp tác, tăng gấp 4 lần so với 10 năm. Kinh tế hợp tác giúp giải quyết nút thắt lớn là sản xuất manh mún, hàng hóa không có tiêu chuẩn, không có khả năng cạnh tranh.
Hơn 17.000 hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là một minh chứng khi đã thiết lập hàng nghìn chuỗi liên kết, chế biến tiêu thụ bền vững. Tuy nhiên, trên quy mô cả nước, kinh tế hợp tác tăng trưởng vẫn còn thấp so với các khu vực kinh tế khác. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Chất lượng nhân lực chưa cao.
Với tư cách trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách; tiếp tục ưu đãi về thuế, vốn, đất đai cho kinh tế hợp tác để 5 năm tới, cả nước sẽ thành lập mới thêm 10.000 hợp tác xã, tổ hợp tác và thu hút khoảng 8 triệu lao động.
Phát triển hợp tác xã để củng cố lực lượng sản xuất
Thực tế, việc phát triển các HTX, các tổ hợp tác cũng là cách hiệu quả để củng cố lực lượng sản xuất và thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển. Đây cũng được xem là công cụ tốt nhất để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình phát triển.
Ghi nhận tại một HTX trồng rừng tại tỉnh Yên Bái, các hộ dân liên kết lại với nhau, đồng lòng cam kết làm theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó thu nhập từ rừng cũng đã tốt hơn.
Cả nước hiện có hơn 145.000 hợp tác xã và tổ hợp tác, tăng gấp 4 lần so với 10 năm.
Ban đầu, ông Bảy và 13 nông dân khác trở thành thành viên của HTX lâm nghiệp Bình Minh bởi những lý do giản dị. Sau 6 năm, gần 80% diện tích rừng keo của HTX đã trở thành rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ FSC, chứng chỉ quốc tế về rừng bền vững cả về môi trường, xã hội, kinh tế và truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, gỗ được bán với giá cao hơn từ 15 - 20%. Thu hoạch đến đâu được bao tiêu đến đó.
Với chuỗi giá trị từ trồng rừng đến sơ chế gỗ, HTX Bình Minh hiện là đối tác của Công ty Hòa Phát và trở thành hạt nhân để huyện Yên Bình nâng diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC từ 3.000ha lên 5.000 ha ngay trong năm tới.
Hiệu quả thực chất đã khiến số HTX nông nghiệp tăng gấp 4,5 lần so với năm 2015. Phát triển HTX được nhận định sẽ là xu thế tất yếu để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, môi trường, an sinh xã hội. HTX cũng là cơ sở để nông nghiệp Việt Nam chuyển từ sản xuất quy mô hộ sang sản xuất tập trung, nhưng vẫn tôn trọng lợi ích của người nông dân.
"Một trong những quy luật phát triển kinh tế trên thế giới này là quy luật phát triển không đều. Không phải cái gì cũng là tập đoàn, quy mô lớn, nhất là trong nông nghiệp, vốn là khu vực mà sự phát triển và xuất phát điểm của người nông dân không cao so với các thành phần kinh tế khác. Hơn nữa, HTX là dạng hình kinh tế không chỉ chú ý đến kinh tế, nó còn chăm lo đến an sinh, cộng đồng. Do đó, đây là hình thức rất phù hợp với chúng ta, không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT, nhận định.
Kết luận 70 của Bộ Chính trị nêu rõ, một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của kinh tế HTX là nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về vai trò của khu vực kinh tế này còn chưa đầy đủ, hoặc không thống nhất, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, của hợp tác xã. Chính vì vậy, từ những mô hình hiệu quả như trên, chúng ta cần có những chính sách và cơ chế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!