Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng kế hoạch. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 54 mới đây.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng đề nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trật tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các tổ chức trực thuộc các cấp tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương để vận động người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Lãnh đạo các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ công tác này phục vụ thi công các dự án cao tốc, đường vành đai và các dự án trọng điểm khác trong quý II năm nay.
Thực tế, từ trước đến nay, giải phóng mặt bằng được xem là công việc chiếm nhiều thời gian nhất khi triển khai các dự án. Do vậy, việc thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác này đã giúp các dự án có đủ điều kiện để khởi công xây dựng. Trong đó, việc tạo được sự đồng thuận của người dân có đất nằm trong dự án là nhiệm vụ quan trọng. Ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh và thủ đô Hà Nội.
Bằng công tác dân vận kiên trì, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng của dự án đường dây 500kV mạch 3, hơn 100 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được bàn giao đúng hạn.
Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng luôn đặt mình vào chính những người dân để thấu hiều tâm tư, nguyên vọng của người dân, từ đó mình tuyên truyền vận động để trao đổi cho bà con nhân dân hiểu".
Việc các địa phương vận dụng, xây dựng các phong trào dân vận đã góp phần tạo sự lan toả tích cực, để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho các dự án cao tốc, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho hay: "Nói cho dân nghe, nói cho dân hiểu đó là cái quan trong nhất. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng tôi chưa phải cưỡng chế 1 trường hợp nào và chủ chốt là tuyên truyền vận động".
Không chỉ với dự án giao thông xương sống như cao tốc Bắc - Nam, mà các dự án giao thông kết nối vùng cũng đang được các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt bằng. Như tại dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, nhiệm vụ hiện nay là lên phương án di dời các đường dây điện cao thế để trả lại mặt bằng phục vụ thi công.
"Nếu với tiến độ mà nhà thầu quyết tâm thì có khả năng sẽ vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng so với chủ đầu tư đề ra", ông Nguyễn Hoàng Long - Đại diện Đơn vị giám sát Công ty Coninco cho biết.
Nỗ lực rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
Tại khu vực phía Nam, dự án trọng điểm đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện đã hoàn thành gần 99% khâu đền bù giải phóng mặt bằng chỉ sau gần 1 năm khởi công. Điểm mấu chốt để có được kết quả này chính là đảm bảo an sinh cho người dân. Trong đó, việc lựa chọn vị trí và xây dựng các khu tái định cư phải có điều kiện sinh sống tốt hơn và ít nhất bằng với nơi ở cũ. Đây cũng là cách mà một số địa phương khác như Đồng Nai đang áp dụng để đảm bảo tiến độ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ giải phóng mặt bằng vành đai 3 đi qua tỉnh Đồng Nai đã đạt 43%. Theo thông tin mới nhất chúng tôi ghi nhận, địa phương đã phê duyệt được phương án bồi thường cho gần 600 hộ dân. Với 200 hộ còn lại, dự kiến trong tháng 6 tới đây tỉnh cũng sẽ có phương án bồi thường cụ thể, để thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Tiếp tục vận động về phương án bồi thường. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Đồng Nai còn có thêm các chính sách hỗ trợ người dân như: bổ sung thêm chi phí tạm cư, hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.
Ông Trần Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Trước hết chúng tôi sẽ hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường tất cả các hộ dân tại dự án. Sau đó là tiến hành chi trả, phương châm của huyện Nhơn Trạch là vừa chi trả, vừa vận động bởi vì đây là công trình quốc gia và cũng mong sự đồng thuận từ bà con. Hy vọng tới 30/6 thì sẽ bàn giao 100% quỹ đất cho chủ đầu tư thi công dự án đúng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Với dự án Vành đai 3, có 2 yếu tố giúp đẩy nhanh khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Thứ nhất, về trình tự thủ tục TP Hồ Chí Minh đã tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và triển khai trước một số bước công tác đền bù giúp rút ngắn thời gian từ 6 tháng đến 1 năm so với trước đây. Thứ hai là đảm bảo vấn đề an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Võ Trí Dũng - Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, TP Thủ Đức cho hay: "Ban chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh nhiều khi họp đến 9-10h tối để tháo gỡ những trường hợp khó khăn để có một chính sách cho nó hài hòa giữa nhà nước và người dân".
"Chúng ta lắng nghe, tổ chức những điều tra xã hội học trước trong và sau tái định cư để chúng ta ghi nhận toàn bộ những cái nguyện vọng, nhu cầu về hỗ trợ chuyển đổi việc làm và cố gắng đảm bảo tái định cư tại chỗ cho người dân, bằng hoặc tốt hơn giai đoạn trước", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đây cũng là cách làm mà TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng nhân rộng cho các dự án trọng điểm khác trong thời gian tới. Ví dụ như với các dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 4, hiện Thành phố đã dần triển khai các khâu kiểm đếm, thống kê. Sở Xây dựng Thành phố lên kế hoạch đảm bảo nguồn căn hộ tái định cư, các địa phương rà soát quỹ đất, đảm bảo việc tái định cư tại chỗ cho người dân, giúp đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng.
Tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi" đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong các chỉ đạo về thực hiện đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tại Công điện 54 mới đây, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, và Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!