Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 130 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội. Thủ tướng yêu cầu bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Công điện nhấn mạnh, cần tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Một số giải pháp, yêu cầu cụ thể đã được đặt ra như: Cắt giảm thủ tục hành chính, bố trí quỹ đất, công khai dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện được vay gói 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Hiện nay, một số địa phương đang tăng tốc phát triển các dự án nhà xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn hay các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Báo cáo mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, dự kiến, thành phố có 19 dự án được hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025, đạt khoảng 78,3% so với chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển của thành phố. Một số dự án nhà ở xã hội nằm ở vị trí đẹp đã và đang chuẩn bị được khởi công. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu số lượng nhà ở xã hội được tăng lên, sẽ trở thành một đối trọng với các dự án nhà ở thương mại giá cao, là một trong những giải pháp quan trọng để hạ giá nhà.
Phát triển nhà ở xã hội để hạ nhiệt giá chung cư
Theo nhận định của các chuyên gia, số lượng nhà ở xã hội được tăng lên, sẽ trở thành một đối trọng với các dự án nhà ở thương mại giá cao. Ảnh: Báo Đầu tư.
Đầu năm 2023, dự án nhà ở xã hội tại quận Nam Từ Liêm, đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt giá là 19,5 triệu đồng/m2. Đây là mức giá bán nhà ở xã hội cao nhất từ trước đến nay tại thủ đô. Gọi là cao nhất, nhưng so với mặt bằng chung của căn hộ chung cư thì đây lại là mức giá thấp nhất. Vì hiện nay trên thị trường Hà Nội không còn những căn hộ chung cư có giá 20 triệu đồng/m2.
Cách đó chỉ vài bước chân, dự án nhà ở thương mại vào năm 2023 đã có giá bán hơn 40 triệu/m2. Còn tính tới thời điểm này đã có nhiều căn hộ được giao bán lên tới trên 60 triệu đồng/m2. Tức là giá 1 căn hộ nhà ở xã hội chỉ bằng 1/3 so với giá của 1 căn hộ nhà ở thương mại. Có cùng vị trí, cùng hạ tầng và cùng điều kiện giao thông tương tự, điều này cũng giải thích lý do tại sao nhà ở xã hội lại được người dân mong chờ đến vậy.
"Giá cả, đất đều lên hết, mình không mua được nhà thì đi thuê, bây giờ có chương trình dành cho người thu nhập thấp dành về 1 khu nào đấy thì càng mừng", ông Nguyễn Công Vy, TP Hà Nội chia sẻ.
Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, giá chung cư đã tăng theo nhiều giai đoạn. Từ năm 2000 - 2010, giá chung cư Hà Nội từ 10 - 20 triệu đồng/m2. Giai đoạn 2010 - 2020, giá chung cư từ 20 - 50 triệu đồng/m2. Còn từ sau 2020 đến nay, giá chung cư đã tăng lên đáng kể ở khoảng từ 50 - trên 100 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Với mức giá hiện nay, đối tượng người thu nhập thấp và trung bình khó có thể mua được nhà, nếu không có các dự án nhà ở xã hội.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam cho hay: "Muốn giảm giá nhà thì việc này tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện tại phải có bàn tay của Nhà nước, thông qua phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở quy mô lớn, số lượng lớn".
Thực tế, nhiều ưu đãi trong các quy định mới đã thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động xin chuyển dự án sang xây nhà ở xã hội, dù lợi nhuận không được cao bằng việc xây nhà thương mại. Tuy nhiên, các thủ tục cho dự án vẫn đang cần được đẩy nhanh.
"Với quy mô là 6 toà, mỗi tòa 30 tầng, đang xin liên hệ với các cơ quan ban ngành để xin chủ trương đầu tư và chuẩn bị đưa vào thi công vào cuối năm sau", ông Phạm Văn Cường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hưng cho biết.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: "Thời gian lâu nhất là lựa chọn chủ đầu tư, nếu theo đấu thầu mất gần 2 năm. Kiến nghị Bộ Xây dựng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu để cải cách thủ tục hành chính".
Những công đoạn cuối cùng của dự án nhà ở xã hội đang dần được hoàn thành, dự kiến nhà sẽ được bàn giao cho người mua trong ít tháng nữa. Tuy nhiên, hơn 200 căn hộ, vẫn là 1 con số quá nhỏ so với nhu cầu nhà ở hiện nay.
TP Hồ Chí Minh thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Từ năm 2021 đến nay TP Hồ Chí Minh chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 06 dự án đã hoàn thành, 04 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo mới nhất từ Sở Xây dựng, từ năm 2021 đến nay thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 06 dự án đã hoàn thành, 04 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để thành phố thực hiện được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra. Trong đó, có một nút thắt lớn mà thành phố đang tìm mọi giải pháp để tháo gỡ chính là thủ tục cấp phép xây dựng cho loại hình nhà ở này. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy trình thủ tục với nhà ở xã hội theo các quy định cũ thì đều phải trải qua 4 bước như nhà ở thương mại, nhưng nhà ở xã hội còn phức tạp hơn khi đi kèm theo đó là 1 loạt các khâu như tính tiền sử dụng đất, thủ tục xin miễn tiền sử dụng, và thủ tục phê duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội. Với quy trình này, thời gian hoàn thành phải 3-5 năm.
Còn với quy trình mới, theo đề xuất hiện nay của Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh, sẽ lập tổ công tác liên ngành để xử lý cùng lúc ngay từ bước đầu tiên là chấp thuận chủ trương đầu tư, và bỏ thủ tục tính tiền sử dụng đất, các bước xét duyệt đối tượng mua cũng đơn giản hơn. Với quy trình mới, đảm bảo rút ngắn thời gian. Thậm chí mới đây, chủ tịch UBND Thành phố còn cam kết sẽ tiết gỉam tối đa thủ tục còn dưới 6 tháng với loại hình nhà ở xã hội cho thuê.
Mới đây, để giải quyết khó khăn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn và Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực của Tổ công tác.
Một trong những nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc, điều phối và cho ý kiến đánh giá về sự phù hợp về các điều kiện thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, bước đầu tiên của quy trình thủ tục đầu tư.
Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trước đây làm từng giai đoạn và chỉ xem 1 bước thôi. Tuy nhiên hiện nay xem ở bước đầu tiên này thì đồng thời các sở ngành kia cũng phải xem các nội dung thủ tục để sau đó để cùng hỗ trợ chủ đầu tư thì sau bước này qua các bước tiếp theo thì họ không có vướng mà sẽ được đẩy nhanh".
Để giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 01 năm xuống còn không quá 6 tháng như cam kết của lãnh đạo thành phố thì cần có sự phối hợp, chung tay giữa các sở, ngành, quận, huyện trong quá trình thực hiện hồ sơ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để thực hiện quyết tâm này của Chủ tịch thành phố thì trước hết các sở ngành, các quận huyện và TP Thủ Đức, phải làm đúng vai, tròn vai của mình trong trách nhiệm phê duyệt dự án nhà ở xã hội".
TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn và Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực của Tổ công tác.
Mới đây, Sở Xây dựng thành phố cũng đã công bố danh mục 07 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avision Young Việt Nam cho hay: "Đối tác công - tư đã được chứng minh là mô hình khả thi để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều quốc gia. Trong quan hệ đối tác này, khu vực tư nhân đem lại kiến thức và kinh nghiệm thị trường, năng lực kỹ thuật và các nguồn lực tài chính. Trong khi đó, Chính Phủ đóng vai trò "bà đỡ" thông qua việc tạo ra các hành lang pháp lý, cung cấp các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính và thuế, và tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các chủ đầu tư và đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở xã hội".
Ngoài ra, hiện tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã có 21 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ.
Như vậy, với nhiều giải pháp kết hợp, như việc đẩy mạnh phát triển các dự án mới, hay trường hợp xin chuyển mục đích khu nhà ở sinh viên tại Hà Nội bị bỏ không nhiều năm thành nhà ở xã hội cho thuê, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương nói chung tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang dần có sự cải thiện, tăng tốc.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100 về quản lý, phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua, cũng đang dần có những tác động lan tỏa tới các địa phương.
Phát triển nhà ở xã hội tại một số quốc gia
Trung Quốc là 1 trong số những quốc gia đã và đang ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trong những năm gần đây.
Trên toàn cầu, các dự án nhà ở xã hội - với nhiều cách gọi như nhà ở vừa túi tiền, nhà được chính phủ trợ giá, cũng đang được quan tâm và phát triển tại nhiều quốc gia, giúp góp phần giải quyết nhu cầu cho người dân có thu nhập thấp, trong giai đoạn nhiều thách thức về kinh tế cũng như tình hình lạm phát.
Trung Quốc là 1 trong số những quốc gia đã và đang ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trong những năm gần đây. Nước này hiện có ba loại nhà ở xã hội chính, gồm nhà cho thuê công cộng, nhà cho thuê được chính phủ trợ cấp và nhà có quyền sở hữu chung, hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau như gia đình thu nhập thấp ở thành thị, người trẻ và cư dân chuyển tới các đô thị mới. Mức giá khác nhau ở từng địa phương, nhưng giá cho thuê nhà ở xã hội thường thấp hơn từ 20-50% so với giá thị trường, trong khi mức giá bán cũng rẻ hơn khoảng 10-20%.
Trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản thương mại vẫn đóng băng, nước này đang liên tục thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội mới. 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xây dựng mới hơn 1,1 triệu nhà ở xã hội, và Bộ Tài chính nước này cũng công bố ứng trước khoảng 7,9 tỷ USD cho các dự án nhà ở xã hội mới trong năm sau.
Mỹ là nước có thị trường bất động sản thương mại phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, đặc biệt tại các tại nhiều thành phố lớn, đã hối thúc giới chức Mỹ mở rộng hỗ trợ các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
Trong năm nay, chính quyền tổng thống Biden đã công bố các khoản chi với tổng trị giá khoảng 185 triệu USD cho nhiều địa phương, nhằm tháo gỡ rào cản cũng như tăng cường trợ cấp cho các dự án nhà ở mới vừa túi tiền trong khu vực. Trong khi đó, tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết trong nhiệm kỳ sắp tới, ông sẽ đẩy nhanh tiến trình cấp phép các dự án nhà ở mới vừa túi tiền trên đất công của chính phủ liên bang, cũng như tháo gỡ các rào cản quy định liên quan đến lĩnh vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!