Năm 2025, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu tiếp tục lập kỉ lục mới 8 tỷ USD. Sầu riêng sẽ đóng vai trò là lực đẩy chính nhờ vẫn còn dư địa phát triển. Nhưng thách thức cũng không ít đó là đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn kĩ thuật từ nước nhập khẩu.
Tiền Giang có khoảng 24.500 ha sầu riêng, cung cấp cho thị trường gần 500.000 tấn trái mỗi năm. Đây cũng là loại trái cây được cấp tới 155 mã số vùng trồng và 316 mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm các quy định về sử dụng mã số gây ảnh hưởng xấu đến ngành hàng tỷ đô này. Theo ghi nhận, đã có 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng của Tiền Giang bị tạm dừng xuất khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng làm giả mã số vùng trồng, giả ủy quyền sử dụng mã số vùng trồng, giả giấy kiểm dịch thực vật, giả giấy kiểm nghiệm chất lượng trái cây, trong đó có sầu riêng để xuất khẩu. Đây là vấn đề nhức nhối, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương để kiểm soát chặt chẽ, giải quyết triệt để, tránh hệ lụy cho cả ngành hàng.
Bà Phạm Thị Mỹ Nhan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cho biết: "Mọi hoạt động xuất khẩu của mình phải làm việc bài bản ngay từ đầu đó là bắt đầu từ vùng trồng. Phải quản lý chặt chẽ sinh vật gây hại trên đồng ruộng, việc ghi chép nhật ký canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo các quy định của nước nhập khẩu người ta yêu cầu".
Sản lượng sầu riêng nước ta đã tăng lên trên 1 triệu tấn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức nếu không đảm bảo về chất lượng.
Không chỉ Trung Quốc tăng cường kiểm tra và có những cảnh báo, từ ngày 8/1, EU cũng nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%. Điều này cũng có nghĩa là cả ngành hàng phải chuẩn chỉnh các khâu, để có thể xuất khẩu bền vững và mang về tỷ đô trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!