Thai Airways: Từ thời hoàng kim đến "ngày tàn" vì COVID-19

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 28/05/2020 06:09 GMT+7

VTV.vn - Việc một hãng hàng không quốc gia như Thai Airways đệ đơn xin phá sản đã chứng minh ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn ra sao.

Trong bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu, không thể không chú ý tới đà suy thoái của ngàng hàng không thế giới và kéo theo sự sụp đổ "chưa từng có tiền lệ" của một loạt các hãng hàng không tên tuổi. 

Sự thoái trào mới đây của hai "ông lớn" Châu Mỹ Latinh – LATAM và Avianca càng làm dấy lên lo ngại đối với những mắt xích yếu hơn của ngàng hàng không toàn cầu, khi họ đang không còn nhiều thời gian để tự cứu mình trước khi phải đệ đơn phá sản vì dịch COVID-19.

Thai Airways: Từ thời hoàng kim đến ngày tàn vì COVID-19 - Ảnh 1.

Hãng hàng không lớn nhất Châu Mỹ Latinh LATAM đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ (Nguồn: Reuters)

Với mức thiệt hại khổng lồ có thể lên tới hơn 300 tỷ USD trong năm 2020, ngành hàng không toàn cầu chao đảo vì dịch COVID-19 cùng món nợ hàng tỷ USD "đến ngày đáo hạn vẫn chưa thể trả". Làn sóng phá sản này bao trùm toàn bộ những hãng hàng không giá rẻ, và Thai Airways chính thức trở thành nạn nhân tiếp theo không thể trụ vững trước "hiệu ứng domino".

Lá đơn xin bảo hộ phá sản và tái cơ cấu của Thai Airways khiến cả thế giới giật mình. Việc cho phép hãng bay này tái cấu trúc doanh nghiệp là bước đi khó khăn của xứ Chùa Vàng, khi mới đây giới chức nước này đã phải giảm tỷ lệ sở hữu đối với Thai Airways xuống dưới 49%. Theo đó, Thai Airways chính thức không còn là doanh nghiệp nhà nước, dù Chính phủ Thái Lan vẫn là cổ đông chính giữ tiếng nói quan trọng.

Thai Airways: Từ thời hoàng kim đến ngày tàn vì COVID-19 - Ảnh 2.

Thai Airways phá sản, chính thức không còn là doanh nghiệp nhà nước (Nguồn: Reuters)

Gói cứu trợ trị giá 10 tỷ Baht không thể giúp Thai Airways thoát khỏi viễn cảnh trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới lâm vào cảnh phá sản vì đại dịch.

Kế hoạch xin bảo hộ phá sản và tái cơ cấu cho Thai Airways sẽ được thực hiện để duy trì "nguồn sống" của hãng hàng không từ lâu đã gắn liền với sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp du lịch xứ Chùa Vàng. Động thái này được đưa ra sau nhiều năm Thai Airways liên tiếp thua lỗ. Khoản nợ lên tới 6,5 tỷ bath đáo hạn trong năm nay thực sự khiến thị trường nợ nội địa của Thái Lan sôi sục.

Song làn sóng COVID-19 chỉ là "giọt nước tràn ly". Quyết định vận hành trên một số tuyến không lợi nhuận, cùng sự "chậm chân" trên đường đua cùng các đối thủ, khiến hãng bay này lâm vào cảnh lỗ ròng 12 tỷ bath, kéo theo lá đơn từ chức của Giám đốc điều hành Sumeth Damrongchaitham hồi tháng 3 vừa rồi.

Thai Airways: Từ thời hoàng kim đến ngày tàn vì COVID-19 - Ảnh 3.

Dịch COVID-19 chỉ là "giọt nước tràn ly" đưa Thai Airways đến "ngày tàn" (Nguồn: Reuters)

Domino "ngã nhào"

Câu chuyện "đến thời tàn" của Thai Airways minh chứng cho những khó khăn mà ngành hàng không toàn cầu đang phải đối mặt, và Thai Airways chỉ là một quân domino "ngã nhào" theo một loạt "vết xe đổ" trước đó.

Hãng hàng không khu vực Flybe của Anh mở đầu làn sóng phá sản trước sự lao dốc nghiêm trọng của nhu cầu đi lại toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ của hãng bay Virgin Australia sau một thời gian chật vật vì Covid-19. Tình thế ngặt nghèo này cũng chính là viễn cảnh tồi tệ mà ba hãng bay lớn nhất nước Mỹ gồm United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines đang phải đối mặt.

Tập đoàn hàng không Pháp - Hà Lan Air France-KLM cũng đưa ra cảnh báo doanh thu hãng này sẽ giảm khoảng 200 triệu euro tính đến tháng 4. Qantas (Australia) cũng ghi nhận mức sụt giảm tương tự do buộc phải cắt giảm 16% tổng số chuyến bay tới khu vực Châu Á.

Thai Airways: Từ thời hoàng kim đến ngày tàn vì COVID-19 - Ảnh 4.

Air France-KLM sẽ giảm 70-90% công suất với quỹ đạo tài chính giảm mạnh (Nguồn: Reuters)

Các hãng hàng không giá rẻ thời kỳ hậu COVID-19 cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính được cho là tồi tệ nhất sau nhiều thập kỷ. Norwegian Air Shuttle – hãng hàng không giá rẻ của Na Uy vừa qua cũng đã dừng toàn bộ các đường bay do thụt giảm quỹ lương nghiêm trọng. Hãng máy bay có giá vé thấp hàng đầu châu Á, AirAsia, cũng đang "chạy đua" giành tấm vé sống sót sau đại dịch.

Dự báo của IATA rằng sẽ có 50% hãng bay trên thế giới buộc phải phá sản trong vòng 2-3 tháng nữa nếu giới chức các nước không can thiệp, khiến ngàng hàng không "thoi thóp" chờ những "chiếc phao cứu trợ" trị giá hàng tỷ USD từ phía Chính phủ. Sự ra đi của Thai Airways, hãng hàng không quốc gia từng sở hữu tiếp viên là Hoàng hậu Suthida- cùng khoản nợ tồn đọng lên tới 9,4 tỷ USD, đánh dấu "ngày tàn" của một hãng hàng không quốc gia đã từng sống những ngày hoàng kim trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước