Hình minh họa. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, Thái Lan tìm phương án để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh chi phí sản xuất lúa gạo đã tăng lên gần gấp đôi so với hai năm trước.
PV chương trình Chào buổi sáng đã kết nối với PV Ngọc Phương, Thường trú THVN tại ASEAN để có thêm thông tin.
Xin anh cho biết vì sao Thái Lan lại quyết định tung hơn 4 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất lúa gạo?
Phóng viên Ngọc Phương: Theo Ủy ban Quản lý và Chính sách Quốc gia về Lúa gạo, khoản kinh phí hơn 4 tỷ USD là để hỗ trợ kế hoạch đảm bảo thu nhập từ việc bán lúa gạo của khoảng 4,6 triệu hộ dân cho vụ mùa chính trong niên vụ 2022/2023.
Cùng với đó, Ủy ban này cũng thông qua các biện pháp hỗ trợ song song để đảm bảo ổn định giá gạo, bao gồm các kế hoạch khuyến khích nông dân không bán gạo ồ ạt trên thị trường khi mùa vụ mới bắt đầu; trợ cấp lãi suất với tỉ lệ 3% đối với các nhà xay xát đồng ý giữ gạo dự trữ trong thời gian nguồn cung trên thị trường giảm.
Theo kế hoạch đảm bảo thu nhập này, nông dân nhận khoản chênh lệch giữa giá gạo được ấn định và giá tham chiếu thay đổi mỗi 2 tuần một lần cùng với giá thị trường.
Thống kê cho thấy trong 7 tháng của năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,9 tỷ USD, tăng 58% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chỉ tăng khoảng 34% về giá trị. Vậy xin anh cho biết mục tiêu của Thái Lan trong việc định hướng giá gạo trong thời gian tới là gì?
Phóng viên Ngọc Phương: Theo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan thì biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine đang ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sản lượng lúa trên toàn thế giới đồng thời khiến chi phí trồng lúa tăng lên, trong khi giá gạo lại không tăng tương xứng.
Ở Thái Lan, hiện chi phí trồng lúa của nước này đã tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước, từ 123 đến 137 USD lên thành 206 USD đến 220 USD mỗi tấn.
Vì thế, thời gian tới cần phải tăng giá gạo xuất khẩu thì mới phù hợp với việc chi phí sản xuất tăng cao hiện nay.
Thái Lan đang tính đến việc sử dụng cơ chế định giá gạo trên thị trường toàn cầu nhằm tăng giá gạo xuất khẩu; đồng thời thuyết phục các nước xuất khẩu gạo khác cùng tham gia để có thể hình thành một mô hình hoạt động tương tự như các nước xuất khẩu dầu thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) bởi nếu chỉ có Thái Lan hay Việt Nam tăng giá gạo xuất khẩu thì các nước nhập khẩu gạo có thể sẽ tìm tới những nước xuất khẩu có giá thấp hơn như Ấn Độ chẳng hạn.
Xin cảm ơn phóng viên Ngọc Phương!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!