Động thái này nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống tài chính và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh sự quan tâm đến các loại tài sản kỹ thuật số ngày càng gia tăng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho biết, đang làm việc với các cơ quan khác để vạch ra "những lằn ranh đỏ" đối với tiền kỹ thuật số, trong đó bao gồm việc không coi đây là một công cụ thanh toán. Một tài liệu tham vấn dự kiến sẽ được phát hành vào tháng 1 năm sau để thu thập ý kiến về vấn đề này.
Việc Thái Lan gấp rút ban hành các quy định đối với tài sản kỹ thuật số diễn ra trong bối cảnh tiền ảo thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư trên toàn cầu nói chung và ở nước này nói riêng, khi nhà đầu tư muốn tìm mức lợi nhuận tốt hơn cho tiền tiết kiệm của họ trong môi trường lãi suất thấp và kinh tế tăng trưởng yếu do đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan (SEC), trong tháng 11 vừa qua, giá trị giao dịch trên 7 sàn giao dịch tiền ảo được cấp phép lớn nhất ở Thái Lan đã đạt mức 221 tỷ Baht, tương đương 6,62 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2020.
BOT mới đây đã cảnh báo các ngân hàng thương mại tại nước này không nên tham gia trực tiếp vào giao dịch tài sản kỹ thuật số, với lý do chúng có mức độ biến động cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính và thanh toán.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput, một đồng tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng này phát hành dự kiến đưa vào thử nghiệm trong năm tới, sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc đạt tới bao trùm tài chính ở nước này, mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính.
Hiện Thái Lan đang thử nghiệm một đồng tiền kỹ thuật số bán buôn do Ngân hàng Trung ương phát hành. Ông Sethaput cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này giúp cắt giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới và tăng hiệu quả giao dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!