"Thấm đòn" COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động

Chinh Vũ - Văn Cường-Thứ năm, ngày 18/06/2020 05:55 GMT+7

VTV.vn - COVID-19 tại Việt Nam đã qua cao điểm, nhưng với nhiều doanh nghiệp đây mới là lúc "thấm đòn".

Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, những doanh nghiệp sản xuất có mức độ thâm dụng lao động lớn, quy mô nhân viên từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tại TP.HCM lần lượt thông báo các kế hoạch cắt giảm lao động quy mô lớn. 

Điều này cho thấy cao điểm dịch COVID-19 tại Việt Nam đã kết thúc hơn 1 tháng nay, tuy nhiên đến thời điểm này những tác động cụ thể của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh mới hiện rõ ra. 

Thấm đòn COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động - Ảnh 1.

COVID-19 tại Việt Nam đã qua cao điểm, nhưng với nhiều doanh nghiệp đây mới là lúc "thấm đòn"

Như ngay trong tuần qua công ty sản xuất giày thể thao Pouyuen đã thông báo kế hoạch dự kiến cắt giảm đến 6.000 lao động, tương ứng gần 10% số lao động hiện có. Hay như trước đó, công ty sản xuất da giày có tuổi đời đến 24 năm tại TP.HCM là Huê Phong cũng thông báo sẽ cắt giảm đến 2.200 lao động, tương ứng đến 40% số lao động tại doanh nghiệp này.

Nguyên nhân chung của việc cắt giảm lao động là do thiếu hụt trầm trọng đơn hàng. Bởi đây đều là những doanh nghiệp sản xuất gắn chặt với chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu ra sản phẩm là các thị trường vẫn có diễn biến dịch phức tập như Châu Âu và Mỹ.

Như tại Pouyuen, đại diện doanh nghiệp cho biết trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và đang có xu hướng giảm sâu hơn nữa trong những tháng tiếp theo. Thậm chí quý 4 hoàn toàn không có đơn hàng nào. Buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động ở những vị trí, bộ phận không có đơn hàng.

Thấm đòn COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động - Ảnh 2.

Một số doanh nghiệp thâm dụng lao động về dệt may, da giày... đang bị ảnh hưởng lớn do đơn hàng từ châu Âu, Mỹ... suy giảm (Ảnh minh họa)

"Một số doanh nghiệp thâm dụng lao động về dệt may, da giày không có nguồn hàng thì đang có phương án thu hẹp sản xuất từ 5 - 10% theo ghi nhận của các cấp công đoàn", ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết.

Theo Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, dù sau giai đoan giãn cách xã hội việc nhập khẩu nguyên phụ liệu đã phần nào được nối lại, một số ít doanh nghiệp có hồi phục khoảng 70% so với trước. Nhưng phần đông các doanh nghiệp hồi phục tối đa chỉ 50% nhưng cũng chỉ là trước mắt. Chưa doanh nghiệp nào nói trước được các quý tới thị trường sẽ diễn biến ra sao, nhất là với mối nguy từ làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang đe dọa nhiều quốc gia.

Thấm đòn COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động - Ảnh 3.

Bức tranh thị trường lao động mang màu ảm đạm (Ảnh minh họa)

Điều này khiến bức tranh về thị trường lao động vẫn mang màu ảm đạm bất chấp nền kinh tế đã ở trong trạng thái bình thường mới sau dịch. 

Theo một khảo sát với quy mô 400 doanh nghiệp từ nền tảng tuyển dụng Vietnamworks, có hơn 20% số doanh nghiệp cho rằng không xác định được thời gian việc tuyển dụng trở lại bình thường.

"Có những rào cản khiến các doanh nghiệp vẫn còn đang chần chừ trong việc triển khai tuyển dụng. Các doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái quan sát xem sự phục hồi của thị trường như thế nào, đặc biệt khi khách hàng của họ chủ yếu đến từ Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản", bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc Điều hành Vietnamworks cho biết.

Thấm đòn COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ

Hiện nay để giúp đỡ lượng lớn người lao động bị cắt giảm, mất việc... các cơ quan như Sở lao động, Liên đoàn Lao động tại TP. HCM cũng đứng ra làm vai trò kết nối đưa người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp cùng ngành nghề nhưng chuyển hướng phục vụ thị trường nội địa. 

Tuy nhiên số lượng được hỗ trợ theo dạng này chỉ ở mức vài trăm lao động, chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với con số lao động bị cắt giảm có thể lên đến cả chục nghìn người trong thời gian tới.

Để tháo gỡ khó khăn này, vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận được. Hiện hai cơ quan trên đã trình Chính phủ sửa đổi quyết định số 15 theo hướng giải ngân được gói tín dụng này nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp.

"Thấm đòn" COVID-19, nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm lao động

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước