Thần tốc hơn nữa để kiểm soát tốt tình hình
Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Điều này đã đặt các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân vào tình trạng báo động cao khi môi trường trong nhà máy dễ cho virus lây lan.
Vào sáng qua (26/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng chống dịch tại địa phương này, trong bối cảnh dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh có những diễn biến hết sức phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp chống dịch COVID-19 cấp bách tại Bắc Giang và Bắc Ninh
Các biện pháp phòng chống dịch đang được lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo triển khai hết sức quyết liệt, bao gồm thắt chặt các biện pháp cách ly, nhất là với công nhân tại các khu công nghiệp, thực hiện xét nghiệm diện rộng tại Bắc Giang.
Còn tại Bắc Ninh, tỉnh đã xét nghiệm khoảng 400 nghìn mẫu, theo hướng linh hoạt, chủ động, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm gộp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập 6.700 tổ an toàn COVID-19 tại cộng đồng để giám sát tình hình dịch bệnh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, 2 địa phương này đã có các giải pháp bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên do tính lây lan nhanh, phát tán rộng hơn của chủng virus, nên cần thần tốc hơn nữa để kiểm soát tốt tình hình.
Do đó, đề nghị các địa phương thực hiện giãn cách trên quy mô rộng hơn để bảo vệ sản xuất, thực hiện biện pháp cách ly tập trung, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, thậm chí truy tố các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường xét nghiệm nhanh cho kết quả tại chỗ, nếu nghi ngờ, tiếp tục xét nghiệm PCR, đồng thời tầm soát 3 ngày 1 lần tại các khu công nghiệp. Và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ cấp cho mỗi tỉnh 150 nghìn liều vaccine để sớm tổ chức tiêm chủng.
An toàn thì mới sản xuất
Nói về kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương trước khi đóng cửa 4 khu công nghiệp, tỉnh đã họp với doanh nghiệp và đi đến thống nhất là trong thời gian tạm dừng sản xuất các nhà máy, công ty sẽ cùng với tỉnh đánh giá lại mức độ an toàn công ty mình. Qua đó xây dựng phương án để phôi phục sản xuất.
"Đến nay chúng tôi đã lập 35 đoàn kiểm tra, đi đến từng doanh nghiệp vè mức độ an toàn và chấm 3 thang điểm. Một là Nguy hiểm, ít nguy hiểm - không nguy hiểm". Sau khi chọn ra những doanh nghiệp nào được đánh giá không có nguy cơ thì cho từng bước tái khởi động lại", ông Dương cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh tỉnh này không có chủ trương mở lại đồng loạt các khu công nghiệp, mà sẽ lựa chọn trước 8 doanh nghiệp qua khảo sát đáp ứng được tất cả các tiêu chí an toàn để sản xuất lại trước.
"Từ đó chúng tôi xây dựng mô hình an toàn, có thể sống chung với dịch lâu dài. Khi xây dựng mô hình hoàn chỉnh, và qua một thời gian thử nghiệm, chúng tôi sẽ lần lượt nhân rộng, song cũng sẽ theo lộ trình chặt chẽ tăng dần từ 10%, 20%...", ông Dương cho biết.
Trong Công điện về việc bảo đảm an toàn COVID-19 tại các khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
An toàn là tiêu chí hàng đầu trong việc tổ chức sản xuất trở lại
Rõ ràng vào lúc này, phòng chống dịch bệnh không còn là khuyến cáo mà phải được nâng lên thành kỷ luật lao động. Đó chính là cách thức chủ động giúp nhiều nhà máy vẫn đang phòng ngự tốt trước sức tấn công mạnh mẽ của COVID-19.
Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống COVID-19 tại các khu công nghiệp, cũng như kế hoạch tổ chức lại sản xuất... quý vị khán giả có thể theo dõi chương trình Vấn đề hôm nay ngày 26/5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!