Chú bò thay vì gặm cỏ lại đang gặm cả đống thanh long là hình ảnh ấn tượng trên báo Pháp luật TP.HCM dùng để minh họa cho việc thanh long rớt giá thê thảm, từ 5.000-7.000 đồng/kg giảm 1.000-2.000 đồng/kg nhưng cũng không ai mua, người dân phải đổ bỏ cho gia súc ăn. Sự việc diễn ra tại Bình Thuận từ cách đây hơn 1 tháng nhưng UBND tỉnh vừa mới chính thức có công văn trả lời, lý giải nguyên nhân vào ngày 21/11.
Nguyên nhân chính vẫn là câu chuyện dư cung do trồng không theo quy hoạch. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, những năm trước đây, vào dịp Tết Trung thu giá thanh long thường khá cao nên năm nay một số nông dân đã tăng cường chong đèn cho thanh long ra trái để bán vào dịp này. Tuy nhiên, do trùng với vụ mùa chính nên sản lượng thanh long cho thu hoạch khá lớn, ước có trên 120.000 tấn thanh long, gấp đôi sản lượng tại Long An, và gấp 4 lần Tiền Giang. Do đó, dẫn tới tình trạng thừa cục bộ.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc lại nghỉ lễ Quốc khánh, thương nhân tạm ngừng kinh doanh nên thanh long ế ngày càng nhiều.
Thời báo Kinh doanh nhấn mạnh, 80% thanh long của Bình Thuận được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên rõ ràng chỉ cần một động thái nhỏ từ phía bên kia cửa khẩu cũng có thể khiến "xứ sở thanh long" này lao đao. Không chỉ phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, tờ báo này còn chỉ ra thêm nguyên nhân khiến thanh long xuất khẩu vào thị trường cao cấp rớt giá là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một vài doanh nghiệp, đáng buồn là của chính các DN trong nước với nhau.
Thời báo Kinh doanh lấy ví dụ, trước kia thanh long ruột đỏ LĐ1 được xuất khẩu với giá 3,5 - 4 USD/kg nhưng nay giá đã giảm gần 1 nửa, do có tình trạng hạ giá bán và xâm phạm bản quyền về giống thanh long lai tạo. Vậy làm sao để giải quyết tình trạng này?
Bài báo chia sẻ hướng đi của một hợp tác xã tại Long An là tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu khác, như Singapore, Nhật Bản… nhưng kèm theo đó là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của hợp tác xã tại các quốc gia này. Để thuyết phục được các thị trường khó tính, hợp tác xã phải đầu tư khâu xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản đảm bảo vận chuyển thanh long xuất khẩu sang các thị trường xa. Bằng cách này, họ hiện không đủ nguồn cung thanh long để xuất khẩu đi nhiều nước.
Một giải pháp khác là cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu trái thanh long, mở rộng các kho lạnh bảo quản thanh long nhằm tăng khả năng dự trữ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khắc phục việc hư hại khi thanh long được mùa, thu hoạch rộ. Khi chưa đầu tư được những việc này, cần nhất là người nông dân không được trồng ồ ạt khi chưa có đầu ra cho sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!