Tại một khu chợ dân sinh ở cuối đường Nguyễn Văn Giáp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, từ hàng rau, hàng thịt lợn, cho tới hàng đồ khô đều có sẵn một mã QR.
"50% trả bằng tiền mặt, 50% trả bằng quét mã. Bây giờ thời đại 4.0, quét mã sẽ không phải mang tiền trong người và linh hoạt hơn trong thanh toán", chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, tiểu thương tại Cầu Diễn, Nam Từ Liêm Hà Nội, chia sẻ.
Lý do đầu tiên người dân ưu tiên lựa chọn mã QR là vì nó tiện lợi và nhanh chóng hơn. Thời gian quét mã QR nhanh hơn thời gian khách hàng phải trả tiền mặt và đợi người bán hàng trả lại tiền thừa.
Điểm quan trọng, mã QR đã thuyết phục những người bán hàng chấp nhận nó khi giúp họ quản lý thu chi tốt hơn và giao dịch với đối tác ở bất cứ đâu.
Thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất, với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Khách hàng đi chợ nhiều khi không mang tiền mặt nhiều. Thứ nhất là yên tâm cho khách về tiền nong, không sợ bị mất. Thứ hai là tiện lợi cho chủ hàng, tiện lợi về giao dịch. Khách chuyển cho mình, mình lại chuyển về đầu dưới để lấy hàng", chị Đàm Thị Hiền, tiểu thương chợ Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết.
Lý giải về việc những mã QR ngày càng phổ biến, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là chi phí đầu tư thấp, chỉ cần một tờ giấy in với mức phí chưa tới 1.000 đồng, không cần tới máy tính, một quầy thu ngân hay máy POS. Thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất, với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay, và dự báo tỷ lệ này còn có thể tiếp tục tăng trong nhiều năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!