Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 54 triệu người đã tham gia thương mại điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán tiền mặt vẫn ở mức khá cao dù đã giảm từ 78% năm 2020 xuống 73% năm 2021.
Khi mua hàng trực tuyến, vốn là một người kỹ tính, chị Kim Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường lựa chọn hình thức COD. Trước đây khi đi nhận hàng, chị luôn phải chuẩn bị tiền mặt, nhưng giờ đây chị đã có thể sử dụng các mã QR.
"Bởi vì bản thân em là một người rất lười đi rút tiền mặt, khi có mã QR thì em không cần lúc nào cũng phải có tiền mặt theo người. Ngoài ra, em vẫn có thể quản lý được chi tiêu của mìn", chị Đoàn Thị Kim Nga, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Hình thức thanh toán này giúp tối ưu quy trình mua - bán - giao - nhận. Ước tính mỗi tài xế có thể giảm được từ 10 - 20 km di chuyển mỗi ngày.
"Khi giao hàng thành công cho khách hàng bằng quy trình thu tiền mặt tại chỗ, bưu tá phải trở về bưu cục và đối soát lại số tiền, nộp lại cho công ty. Qua hình thức QR code, bưu tá chỉ cần đối soát trên app, chuyển khoản về tài khoản thụ hưởng của công ty là xong", anh Nguyễn Anh Quang, nhân viên giao nhận, Hà Nội, cho biết.
Theo Bộ Công Thương, việc mở rộng hình thức thanh toán này còn đảm bảo tính minh bạch, an toàn dòng tiền, giúp thương mại điện tử Việt Nam liên tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số.
"Những hạ tầng như thanh toán, logistics hay công nghệ là tiền đề cho thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là hạ tầng thanh toán. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là một trải nghiệm mới của người tiêu dùng và sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử", bà Đặng Thu Hà, Trưởng phòng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, nhận định.
Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022 ghi nhận, tăng trưởng vẫn đang ở mức 16% mỗi năm và ước tính quy mô thị trường này sẽ đạt 16,4 tỷ USD ngay trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!