Tháo gỡ dòng vốn cho sản xuất xanh

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 10/05/2024 21:25 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu cấp tín dụng xanh để hỗ trợ cho các dự án sản xuất xanh, bền vững có mức tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm.

Nhu cầu cấp tín dụng xanh để hỗ trợ cho các dự án sản xuất xanh, bền vững có mức tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm. Nhiều ngân hàng đã xây dựng các gói tín dụng phù hợp với đặc thù chuyển đổi sản xuất bền vững. Dù vậy, tổng dư nợ tín dụng xanh hiện mới chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, với khoảng hơn 620.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế do còn nhiều vướng mắc về chính sách.

Những hạt nhựa làm từ bã mía và là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chi phí của một kg hạt nhựa đắt gấp 3 lần so với hạt nhựa thông thường. Doanh nghiệp ước tính nhu cầu về vốn để nhập khẩu nguyên liệu một tháng đã lên tới hơn 30 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, dù đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để chứng minh rằng: 1kg nguyên liệu mới có thể giảm hơn 3kg CO2 phát thải. Nhưng chỉ dùng để phục vụ cho việc xuất khẩu vào thị trường tiên tiến, không có nhiều ý nghĩa khi làm hồ sơ so với vay vốn thông thường.

Bà Bùi Huyền Trâm - Giám đốc Tài chính Công ty AAB HARVEST cho biết: "Không có một công ty Việt Nam nào có sẵn lượng nhựa này hàng tháng thì chúng tôi phải vừa nhập khẩu, vừa tích lũy khoảng 500 tấn/tháng. Nguồn vốn chúng tôi phải tự lo hoặc mở các hợp đồng vay tại các ngân hàng với lãi suất tùy từng thời điểm".

Tháo gỡ dòng vốn cho sản xuất xanh - Ảnh 1.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được khung hướng dẫn về "Tín dụng theo phân loại xanh"

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được khung hướng dẫn về "Tín dụng theo phân loại xanh". Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra danh mục về 12 ngành xanh để các Ngân hàng Thương mại áp dụng. Dù vậy, đây mới chỉ là hướng dẫn ở cấp ngành, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia, chưa có sự thống nhất với các phân loại của các bộ, ngành khác.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB chia sẻ: "Mỗi năm, chúng tôi tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng tín dụng của MB lên khoảng 1-3%/năm. Ưu tiên về nguồn lực, về các chuyên gia để thẩm định các dự án cũng như các nhu cầu của doanh nghiệp một cách nhanh nhất".

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nêu ý kiến: "Bộ Tài nguyên – Môi trường đang trình Chính phủ để Thủ tướng ban hành phân loại xanh chính thức cho Việt Nam để có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp về phát hành tín dụng xanh, trái phiếu xanh".

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã nhiều năm tìm kiếm thành công nguồn vốn từ nước ngoài, nếu có bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế, thì doanh nghiệp mới dễ dàng chứng minh được năng lực để huy động những dòng vốn mới và tiết kiệm thời gian hơn.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Vinasamex chia sẻ: "Quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá doanh nghiệp dựa trên các chỉ tiêu về cơ hội phát triển của mô hình kinh doanh, đặc biệt là tác động xã hội của mô hình kinh doanh này. Chúng tôi không cần có tài sản thế chấp, để có thể tiến hành đi đến ký kết mất khoảng 6-9 tháng".

Tại Chỉ thị mới đây về việc điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh đến yêu cầu: sự phối hợp của các Bộ ngành để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Trong đó, sản xuất xanh cũng không phải là ngoại lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước