Tháo gỡ rào cản để giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của người lao động trở thành hiện thực

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 11:09 GMT+7

VTV.vn - Để xây được một triệu căn nhà ở xã hội là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều rào cản phải được tập trung tháo gỡ.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày hôm qua, một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Xây dựng đó là thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Trong đó, ngay trong tháng 3 này phải trình Đề án cho cấp có thẩm quyền. Trước đó, trong các cuộc làm việc tại các địa phương, Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương dành nguồn lực thực hiện đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội. Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay cũng đã đưa ra mục tiêu này. Điều này cho thấy, phát triển Nhà ở xã hội là một vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo. Hiện cả nước mới chỉ hoàn thành hơn 300 dự án Nhà ở xã hội với khoảng 155.000 căn. Để xây được 1 triệu căn nhà ở xã hội, đây là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều rào cản phải được tập trung tháo gỡ.

Phát triển nhà ở xã hội - Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Phải mất 2-3 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho 1 dự án nhà ở xã hội, hồ sơ nhiều gấp đôi nhà ở thương mại. Hơn nữa, quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận đã khiến không có mấy chủ đầu tư mặn mà xây nhà ở xã hội.

Chính phủ đặt mục tiêu từ nay tới 2030 phải có 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đây là thách thức rất lớn, nhưng cũng sẽ là áp lực để các bộ, ngành địa phương triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính, sửa đổi bổ sung các quy định pháp Luật về nhà ở, góp phần tăng nguồn cung, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Tháo gỡ rào cản để giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động trở thành hiện thực - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Bên cạnh giải pháp đồng bộ và sự tham gia của tất cả các hệ thống chính trị từ địa phương đến trung ương với các ngành ấy thì cũng cần phải nghiên cứu sửa đổi các quy định của luật để làm sao có cơ chế thúc đẩy điều này bởi vì là nếu không sửa luật nhà ở thì cũng không thể hoàn thiện để đạt được cái mục tiêu 1.000.000 căn như Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Một nghịch lý trên thị trường bất động sản hiện nay là dư thừa nguồn cung các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà hạng sang, trong khi đó, lại đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nhà ở xã hội. Theo dự báo, nhu cầu nhà ở xã hội lên tới 2,6 triệu căn trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội

Khơi thông nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội là vấn đề cấp thiết. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ sau về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cơ hội để giúp cho thị trường ấm dần lên.

Tháo gỡ rào cản để giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động trở thành hiện thực - Ảnh 2.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nói: "Về gói 120.000 tỷ đồng này, chủ trương gói này là phù hợp. Còn về thực tế, rõ ràng bất cứ một cái phân khúc nào mà được hỗ trợ thì nó cũng tác động lan toả tới các phân khúc khác. Chúng ta cũng thấy rằng, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững, rõ ràng là việc hỗ trợ cho cái phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội là phân khúc được sự đồng thuận của người dân".

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các cái người mua nhà ở xã hội và những ngôi nhà cho người làm ở các khu công nghiệp hay các khu dân cư như thế cũng sẽ giải quyết được tính thanh khoản cho thị trường. Đây cũng là một điểm nhấn giúp thị trường hoạt động sôi động trở lại.

TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn về nhà ở, trong đó 90% người thuộc lứa tuổi 18 - 35 không có nhà và phải dành đến một năm thu nhập bình quân của người lao động thì mới đủ để mua được 2m2 nhà ở cao cấp. Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở của công nhân, người lao động, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, để công nhân, người lao động có thu nhập thấp chạm đến "giấc mơ an cư". Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ này, thì có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục phải tháo gỡ nhất là về cơ chế chính sách cũng như quá trình thực thi. Việc phát triển nhà ở xã hội phải được coi là trách nhiệm động đồng, từ đó dành tâm huyết và tập trung nguồn lực và đầu tư tốt hơn vào phân khúc này trong thời gian tới.

Hai vị khách cùng tham gia trao đổi về vấn đề này trong chương trình Sự kiện và Bình luận sáng nay (4/3) là ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng và TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước