Thay đổi định hướng thu hút FDI

-Thứ bảy, ngày 31/08/2019 20:24 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh mục tiêu về chất, mục tiêu về lượng được xác định rất rõ rằng vốn đăng ký trong 10 năm tới là 30-50 tỷ USD/năm; vốn thực hiện 20-40 tỷ USD/năm.

Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030 là Nghị quyết lần đầu tiên về nguồn vốn này.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xác định các mục tiêu đầy đủ và cụ thể về FDI, hướng đến những dự án chất lượng cao, công nghệ cao, công nghệ tương lai, thân thiện môi trường - những dự án cần để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù đánh giá cao những thành tựu quan trọng của khu vực này nhưng đã bắt đầu có không ít ý kiến cho rằng cần xem xét lại vai trò của FDI. Nhưng nay, với thông điệp từ Bộ Chính trị, nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc, có trách nhiệm, có thể hoàn toàn yên tâm, được bảo hộ và bảo vệ quyền lợi chính đáng ở Việt Nam. Họ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, kinh doanh tại một trong những điểm đến đầu tư an toàn và nhiều tiềm năng nhất thế giới.

19/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tham gia sâu rộng như vậy nên khi định hướng mới tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, môi trường, các nhà đầu tư cũng mong muốn sự cân bằng với các lĩnh vực còn lại.

Với định hướng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch hơn, lành mạnh hơn, sàng lọc các nhà đầu tư xấu, làm ăn chụp giật, cơ hội sẽ dành nhiều hơn cho các nhà đầu tư nghiêm túc, bài bản. Đây cũng chính là điều mà các nhà đầu tư chân chính chờ đợi ở định hướng thu hút FDI của Việt Nam.

Với thông điệp rõ ràng như vậy, Việt Nam chắc hẳn sẽ có thêm niềm tin từ cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Niềm tin ấy sẽ càng vững chắc hơn khi Việt Nam tạo dựng được một môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Và ngay cái tên của Nghị quyết 50 đã khẳng định định hướng thu hút đầu tư bằng cách hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư ổn định bởi khi các nhà đầu tư tin tưởng, bỏ vốn, đầu tư vào Việt Nam thì cũng sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển như 30 năm qua đã làm.

Hoàn thiện thể chế là việc đã được triển khai ngay để thực hiện Nghị quyết này. Bên cạnh đó, việc thực thi, thay đổi về các khâu quản lý nhà nước về FDI cũng phải tiến hành song song với các đầu mối cụ thể để đạt hiệu quả tối ưu.

Khi đã xác định được hướng đi, việc còn lại là thực hiện ngay các bước cụ thể để biến Nghị quyết thành thực tế từ xây dựng thể chế cho tới thực thi để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, lành mạnh cho các dòng vốn phát huy được hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong sự phát triển chung của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm những địa chỉ an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều biến động. Việt Nam đạt được sự ổn định nhưng sức hấp dẫn như thế nào phụ thuộc vào chính sách cụ thể cùng nỗ lực của các cơ quan thực thi.

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã vạch đường cho một thập niên mới trong thu hút vốn ngoại. Công việc trước mắt là cần sớm có chương trình hành động, sớm thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã chỉ ra để Việt Nam sớm đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới kinh tế.

Nghị quyết 50 về thu hút vốn FDI: 'Cuộn chiếu hoa, lắp cửa từ' Nghị quyết 50 về thu hút vốn FDI: "Cuộn chiếu hoa, lắp cửa từ" Nghị quyết về đầu tư FDI: Định hướng mới của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài Nghị quyết về đầu tư FDI: Định hướng mới của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài Nghị quyết FDI - Khắc phục tình trạng chuyển giá, vốn mỏng Nghị quyết FDI - Khắc phục tình trạng chuyển giá, vốn mỏng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước