Thế khó của các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam

VTV Digital-Thứ ba, ngày 20/04/2021 06:06 GMT+7

VTV.vn - Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường, số lượng cửa hàng trong chuỗi đồ ăn hiện đại tại Việt Nam đã tăng nhanh gấp đôi sau 4 năm.

Những ngày qua, thông tin chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh - đã hiện diện hơn 20 năm tại thị trường Việt Nam - là Lotteria sắp rời khỏi thị trường đăng tải trên trang báo Hàn Quốc The Korea Times đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận dù ngay sau đó, Lotteria Việt Nam đã bác bỏ thông tin này và khẳng định vẫn tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc cũng tiếp tục cho thấy thế khó của các ông lớn thức ăn nhanh trên thị trường chuỗi đồ ăn hiện nay.

Theo tờ báo Hàn The Korea Times, chuỗi cửa hàng Lotteria đã chịu lỗ ròng hơn 200 tỷ đồng chỉ trong năm 2020 tại thị trường Việt Nam. Trước đó, các chuỗi thức ăn nhanh vốn đã chịu cảnh lỗ liên tục qua nhiều năm, nay lại tiếp tục bị thử thách vì đại dịch.

Thế khó của Lotteria và các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam

Những cửa hàng nằm ở vị trí đẹp, đắc địa cũng đã trở nên quá khó để duy trì được khi đại dịch ập tới, ngay cả với một ông lớn ngành thức ăn nhanh như Lotteria. Tuy nhiên, việc đóng cửa một vài cửa hàng không đồng nghĩa với việc sẽ đóng cửa cả một chuỗi. Đây là khẳng định từ đại diện Lotteria Việt Nam về thông tin sắp đóng cửa mà tờ báo Hàn The Korea Times đăng tải gây xôn xao những ngày qua. Trước thông tin bác bỏ từ Lotteria, chiều 18/4, tờ báo cũng đã lên bài dẫn lời Lotte Global Restaurant Service (gọi tắt là GRS) - đơn vị chủ quản Lotteria Việt Nam tái khẳng định việc tiếp tục ở lại thị trường nước ta. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi thực tế về kết quả kinh doanh khá ảm đạm của Lotteria tại Việt Nam.

Thế khó của các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bài báo cho biết, giá trị sổ sách của Lotteria Việt Nam đã giảm đến hơn 40% trong năm xảy ra đại dịch COVID-19. Mức lỗ ròng chỉ trong 1 năm đã lên tới hơn 10 tỷ Won, tức hơn 200 tỷ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói nguyên nhân là vì đại dịch thì cũng không hẳn bởi những năm trước đó, chuỗi Lotteria liên tục ghi nhận mức lỗ từ 2015 đến 2019. Trong 3 năm 2017 đến 2019 tình hình đã được cải thiện đáng kể nhưng mỗi năm chuỗi bán lẻ này đều lỗ khoảng 20 tỷ đồng so với mức doanh thu trên 1.500 tỷ. Một chuỗi khác cũng ghi nhận tình trạng lỗ lũy kế liên tục tăng là thương hiệu Jollibee từ Philippines, mức lỗ lũy kế qua 5 năm từ 2015 đến 2019 là 170 tỷ đồng.

Bản tin Tài chính Kinh doanh cũng đã từng nhiều lần phân tích về lý do vì sao nhiều chuỗi thức ăn nhanh chật vật cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, từ việc gu ẩm thực của người Việt rất đa dạng, nhiều lựa chọn, cho đến đặc trưng là hệ thống hàng quán đường phố chằng chịt khiến các chuỗi thức ăn nhanh, hóa ra, lại không phải là lựa chọn nhanh nhất với khách hàng. Trong những năm gần đây, chúng ta quan sát thấy thêm một lý do nữa: sự tăng tốc về mở độ phủ của các chuỗi ăn uống hiện đại khác với ngày càng đa dạng các món ăn, càng làm thị trường thêm chật chội.

Thế khó của các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam - Ảnh 2.

Chuỗi đồ ăn của doanh nghiệp Việt gia tăng sức ép cạnh tranh

Khi thị trường trở nên có nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng cũng trở nên khó tính hơn. Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường, số lượng cửa hàng trong chuỗi đồ ăn hiện đại tại Việt Nam đã tăng nhanh gấp đôi sau 4 năm. Nếu năm 2017 chỉ khoảng hơn 700 cửa hàng, đến nay đã hơn 1400 cửa hàng. Doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với chuỗi ngoại nhờ sự góp sức của các quỹ đầu tư và đặc biệt việc am hiểu thị trường.

Ông Mai Trường Giang, Giám đốc Chuỗi Otoké Chicken, cho biết: "Phải có sự sáng tạo trong món ăn, có những sản phẩm sáng tạo phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam vì người Việt Nam khá kén chọn về mặt ẩm thực".

Nhiều khảo sát cho thấy, người Việt chi tiêu khoảng 40% thu nhập vào nhu cầu ăn uống vì vậy, thị trường này luôn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tìm được cách tiếp cận phù hợp là không hề dễ, nếu "lỡ chệch đường ray", ngay cả các thương hiệu lớn cũng thất bại như thường.

COVID-19 "cầm chân" chiến lược phủ rộng của các chuỗi thức ăn nhanh

Vào thị trường Việt Nam từ sớm, các chuỗi thức ăn nhanh vẫn đang có lợi thế là độ phủ lớn. Hiện các cái tên đầu ngành như KFC, Jollibee đều có trên 100 cửa hàng, riêng Lotteria có đến 260 cửa hàng. Cả 3 đều thể hiện tham vọng tiếp tục đổ tiền đầu tư cho chiến lược phủ rộng - được đánh giá là có thể nâng biên lợi nhuận lên khi chuỗi đạt quy mô càng lớn.

Thế khó của các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xảy ra như một khắc tinh "cầm chân" chiến lược này. Trả lời tờ The Korea Times, đại diện Lotte GRS cho biết, đại dịch đã làm trì trệ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu thiết bị tại Việt Nam. Kế hoạch thông qua Việt Nam để mở rộng mảng kinh doanh nguyên liệu thực phẩm sang Lào, Campuchia hay Myanmar cũng vì thế mà trì hoãn.

Dù tình hình dịch tại Việt Nam được kiểm soát tốt nhưng hậu quả mà nó gây ra cho các doanh nghiệp ngành ăn uống thì vẫn chưa phơi bày hết. Tìm kiếm động lực tăng trưởng hậu dịch, đặc biệt với chuỗi thức ăn nhanh, đang là bài toán các bên rốt ráo tìm lời giải.

Động lực tăng trưởng nào cho các chuỗi thức ăn nhanh trong tương lai?

Ông James Dương Nguyễn - Tổng giám đốc D'Corp R- Keeper Việt Nam: Phân khúc chính của thức ăn nhanh là hướng đến nhóm khách hàng văn phòng, gen Z, trẻ em và cận trung lưu. Nhóm này ở VN vẫn tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ lệ lớn. Tôi tin rằng thị trường này còn nhiều dư địa phát triển và mở rộng. Chỉ có điều họ cần kiên trì và có sự điều chỉnh phù hợp hơn với thị trường.

Ông Mai Trường Giang - Giám đốc Chuỗi Otoké Chicken: Thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn phát triển nhưng tôi vẫn nhìn thị trường khá bão hòa nên sẽ nhìn vào những thị trường mới nổi như thị trường tỉnh. Dư địa phát triển ở thị trường Việt Nam là thị trường tỉnh. Bằng chứng là chúng ta thấy Jolibee đã mở ở hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam.

Thế khó của các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam - Ảnh 4.

Korea Times cho hay, Lotteria đang lỗ tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. (Ảnh: Korea Times).

Khi nào đến điểm lợi nhuận?

Khi phóng viên VTV hỏi về tình trạng kinh doanh lỗ nhiều năm liền tại Việt Nam, đại diện Lotteria Việt Nam từng cho rằng đây là điều bình thường và họ sẽ vẫn đầu tư do đã xác định từ đầu là doanh nghiệp vẫn chưa chạm đến điểm phát sinh lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn như mới nhất là việc đơn vị chủ quản Lotte GRS cho biết sẽ chi đến 15,5 tỷ Won - tức hơn 320 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh mảng thực phẩm ở Việt Nam.

Hiệu quả đầu tư đến đâu và điểm phát sinh lợi nhuận sẽ đến khi nào, theo thời gian thị trường sẽ trả lời nhưng chắc chắn cuộc chiến trên thị trường chuỗi thức nhanh vẫn sẽ rất khốc liệt. Dù Lotteria vẫn tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam nhưng Lotteria đã xác nhận là sẽ đóng cửa tại Indonesia - một thị trường hay được đem ra để so sánh với Việt Nam vì có nhiều điểm tương đồng.

Chuỗi thức ăn nhanh chật vật để cạnh tranh Chuỗi thức ăn nhanh chật vật để cạnh tranh

VTV.vn - Sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng mới kéo theo sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đang tiếp tục tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cửa hàng thức ăn nhanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước