Thêm “cánh cổng” tiếp cận tín dụng cho nhà ở xã hội

VTV Digital-Thứ hai, ngày 26/08/2024 18:41 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, việc có thêm nguồn vốn từ ngân hàng chính sách sẽ mở thêm một "cánh cửa" tiếp cận tín dụng cho người dân.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì và các Bộ ngành trung ương nghiên cứu xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một kiến nghị rất xác đáng và thiết thực, là một phần rất quan trọng của mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Tại tỉnh Bình Định, dự án nhà ở xã hội Thiết chế công đoàn do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát triển dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh. Quy hoạch dự án gồm 4 toà nhà, tổng số căn hộ gần 1.500 căn. Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhu cầu vay vốn của người mua hiện rất lớn, trong đó chủ yếu từ nguồn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc dự án Nhà ở xã hội Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định cho biết: "Hiện tại được sự quan tâm của cấp chính quyền địa phương chúng tôi đã triển khai dự án khá thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các chương trình hỗ trợ cho người mua nhà tốt hơn để chúng tôi thúc đẩy tiến độ bán hàng".

Thêm “cánh cổng” tiếp cận tín dụng cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, việc có thêm nguồn vốn từ ngân hàng chính sách sẽ mở thêm một "cánh cửa" tiếp cận tín dụng cho người dân. Ảnh minh họa.

Tại tỉnh Bình Dương, đến cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân được 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ xây mới 160.000 căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, vì vậy nhu cầu vay vốn chính sách dự báo sẽ tiếp tục tăng.

"Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất phù hợp với tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho ngân hàng chính sách xã hội tạo lập được một nguồn vốn ổn định để thực hiện chương trình. Về phía ngân hàng chính sách xã hội Trung ương thì cũng đã thống nhất lãnh đạo UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn trung ương cân đối với nguồn vốn địa phương theo phương thức 1:1 để đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn", ông Nguyễn Bá Phương - Phó giám đốc, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết.

Theo chủ trương, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ ngân sách địa phương và trái phiếu chính phủ. Theo các chuyên gia, việc có thêm nguồn vốn từ ngân hàng chính sách sẽ mở thêm một "cánh cửa" tiếp cận tín dụng cho người dân. Vốn là nguồn vốn cần thiết để thực hiện mục tiêu nhân văn của chương trình nhà ở xã hội.

TS. Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá: "Điểm sáng nhất là chúng ta đang chuyển một thông điệp rất rõ ràng giải quyết vấn đề nhà ở xã hội đó là giải quyết vấn để mang tính chính sách. Thứ hai, thể hiện rất rõ quan điểm thích nghi và đặc thù mang tính chất địa phương cho nhà ở xã hội. Thứ ba là Nhà nước thể hiện quan điểm nhiều con đường, nhiều cách tiếp cận để đảm bảo chính sách nhà ở xã hội có ý nghĩa".

Như vậy, bên cạnh gói 140.000 tỷ đồng đã được triển khai từ các ngân hàng thương mại, gói 30.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông được nguồn vốn, hỗ trợ đúng đối tượng, và ổn định lãi suất lâu dài cho người mua nhà ở xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước