Trước đây, mọi người thường nhắc tới các tiêu cực trong quá trình đấu giá như: quân xanh, quân đỏ, thỏa thuận dìm giá, để người tham gia mua được đất với giá rẻ, gây thất thu cho ngân sách. Nhưng hiện nay, một điều tưởng chừng như phi lý, đang xuất hiện trên thị trường đó là giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Vậy tình hình giao dịch trên thị trường hậu đấu giá đang diễn ra như thế nào?
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, một số văn phòng môi giới đã mọc lên ngay trên khu đất vừa đấu giá xong tại Bắc Giang. Nhiều người trúng đấu giá đã ngay lập tức gửi hàng để bán tại đây. Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm không khí giao dịch khá ảm đạm.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thông thường, sau 30 ngày trúng đấu giá đất, khách hàng phải nộp 100% tiền vào ngân sách. Trong khoảng thời gian đó, nếu không bán sang tay được cho người khác, nhiều người đã bỏ cọc.
Người dân địa phương cho biết, sau mỗi cuộc đấu giá đất, giá đều tăng gấp đôi, gấp ba, kéo theo cả giá đất xung quanh. Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhận định, có trường hợp các doanh nghiệp, hoặc nhóm môi giới bắt tay nhau để đấu giá đất giá cao, nhằm mục đích thổi giá đất khu vực xung quanh lên. Ngoài ra, cũng có thể do nhận định về giá thị trường của các nhà đầu tư chưa chuẩn xác.
Các chuyên gia cảnh báo, chiêu trò thổi giá đất từ các cuộc đấu giá thể là con dao 2 lưỡi vì giá tăng nhanh khiến người bán khó bán, còn người mua nghe ngóng, ngần ngại. Các môi giới chia sẻ, dù tìm nhiều cách, họ vẫn khó có thể thổi bùng ngọn lửa sau các cuộc đấu giá vì bản thân giá đã quá cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!