Vừa qua, Chính phủ đã có Công điện đề nghị Chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Các địa phương cần hoàn thành công việc này trong tháng 6. Yêu cầu trên nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để triển khai ngay sau khi các luật trên được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm - dự kiến từ ngày 1/8 tới đây, thay vì mốc từ đầu năm sau.
Đây là thông tin quan trọng được các thành viên trên thị trường bất động sản trông đợi từ lâu. Việc dự kiến 3 Luật sẽ được thi hành sớm cùng 1 lúc, thay vì chỉ có Luật Đất đai được đưa vào thực thi trước, so với các đề xuất trước đây, cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Ba Luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thậm chí các quy định điều khoản chằng chịt. Trong đó, Luật Đất đai được xem là xương sống. Việc 3 Luật cùng có hiệu lực vào cùng một thời điểm sẽ giúp dòng chảy thị trường bất động sản khơi thông hơn.
Doanh nghiệp bất động sản, nơi ông Đức làm việc, hiện đang có 1 nửa số dự án đang trong quá trình chờ đợi 3 Luật mới được thực thi, để có thể triển khai các bước tiếp theo.
"Đặc biệt quan trọng là nó sẽ tháo bỏ được tâm lý chờ đợi. Thật ra chúng ta đang có tâm lý chờ đợi ở nhiều tỉnh thành. Nhiều dự án tạm dừng phê duyệt, thậm chí là cố tình chậm triển khai để chờ luật mới có hiệu lực. Hệ thống luật đòi hỏi cần hướng dẫn chi tiết, phải đồng bộ tới cấp thông tư", ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho hay.
Còn ông Tiến, đại diện cho 1 đơn vị phân phối cho biết, 3 Luật mới thi hành sẽ tác động trực tiếp tới cả người mua nhà, khi các quy định có nhiều thay đổi.
Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing chia sẻ: "Ví dụ, yêu cầu tất cả các giao dịch bất động sản phải chuyển khoản qua ngân hàng để tránh trốn thuế, giúp thị trường minh bạch hơn. Nút thắt về nguồn cung được tháo gỡ sẽ tăng cơ hội tăng lượng giao dịch, gia tăng doanh số"
Đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác chuẩn bị để các Luật quan trọng trên đi vào cuộc sống đang được thực hiện gấp rút, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Chúng tôi cũng đang xây dựng các Nghị định để đưa các Luật có hiệu lực sớm hơn. Tháo gỡ phần lớn các khó khăn, ngoài ra các quy định của các luật khác chúng tôi cũng đang nghiên cứu để phối hợp tiếp tục các điều chỉnh cho phù hợp".
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2023 cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc (chủ yếu là về pháp lý). Bởi vậy, việc 3 Luật liên quan trực tiếp tới thị trường dự kiến được thực thi sớm, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường. Đại diện Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá, đây cũng sẽ là yếu tố tác động quan trọng giúp thị trường bất động sản hồi phục ổn định từ cuối năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!