Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài gần đây đều rất quan tâm đến việc đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản của các ngân hàng. Thị trường mua bán nợ xấu nhờ đó trở nên sôi động và thuận lợi hơn.
Lướt qua trang web của các ngân hàng và Công ty VAMC, các thông tin đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản được cập nhật liên tục. Tờ Thời báo kinh doanh thống kê cho thấy, nhiều khoản nợ khủng cũng tìm người mua, ví dụ: 4 khối bất động sản được Sacombank rao bán có giá trị lên tới gần 21.000 tỷ đồng. Để dễ bán, chiêu hạ giá sẽ được áp dụng, ví dụ như công trình mở rộng một khách sạn tại Việt Trì, Phú Thọ, được VAMC rao bán sau 4 lần giảm giá.
Nghị quyết 42 của Quốc hội được coi là "phương thuốc" hữu hiệu nhất tính đến thời điểm này để cắt bỏ "khối u" nợ xấu, khi cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần qua tòa án và được bán nợ xấu dưới giá sổ sách. Tuy nhiên, cũng giống như lúc chữa bệnh, phương thuốc tốt là chưa đủ, vẫn phải cần một phác đồ điều trị hoàn thiện. Bởi điều e ngại nhất của các nhà đầu tư là vướng vào tranh chấp pháp lý khi thu mua các tài sản đảm bảo là bất động sản.
Theo tờ Thời báo kinh doanh, lãnh đạo một số ngân hàng còn than rằng việc thu giữ tài sản đảm bảo chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, vì vậy khó thu giữ với những tài sản đảm bảo chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!