Một thói quen trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước các đợt nghỉ lễ là giao dịch tương đối giằng co và thường là điều chỉnh, nguyên nhân đến từ tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư vì họ không biết trong kỳ nghỉ liệu có thông tin lớn nào tác động hay không. Khi không thể giao dịch được, thị thường không muốn nắm giữ nhiều cổ phiếu.
Thói quen là vậy, nhưng cũng phụ thuộc vào bối cảnh thị trường, tuy nhiên kỳ nghỉ lần này không quá dài, chỉ 4 ngày, vì vậy, nhiều nhà đầu tư cũng không ngại nắm giữ, đặc biệt tận dụng cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu. Bằng chứng là thanh khoản tuần qua sau khi "cạn kiệt" đã tăng trở lại, hơn 1 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị gần 23.000 tỷ đồng/phiên.
Xét trong trung hạn, các chuyên gia cho rằng, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh để "tái định giá", thời gian tới xu hướng thị trường sẽ được dẫn dắt bởi lợi nhuận doanh nghiệp, với kỳ vọng phục hồi dần trong 2 quý cuối năm nay.
Chia sẻ tại Hội thảo đầu tư do Chứng khoán VPBank tổ chức cuối tuần qua, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất và thị trường chứng khoán luôn có sự liên thông chặt chẽ, khi lãi suất điều hành giảm sâu, xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán cũng đã được khởi động rất nhanh, mạnh mẽ. Xu hướng này sẽ khó thay đổi trong ngắn hạn.
Một thói quen trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước các đợt nghỉ lễ là giao dịch tương đối giằng co và thường là điều chỉnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Sự liên thông này mang tính truyền thống, cứ hễ lãi suất giảm xuống thấp thì thị trường chứng khoán sẽ đi lên, xu hướng đi lên được khởi động nhanh và mạnh mẽ hơn. Tôi kỳ vọng lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là lãi suất cho vay. Chỉ số P/E hiện tại đang ở mức khá cao, nhưng không phải do thị trường chứng khoán nóng, mà trên thực tế do lợi nhuận giảm. Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thấy P/E cao họ vẫn mua, vì họ kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong tương lai", TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cho biết.
Các chuyên gia cũng nhận định, bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2 quý cuối năm nay sẽ có sự cải thiện so với 6 tháng đầu năm, bởi một số yếu tố như: Chính phủ đẩy mạnh giải ngân hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư công còn lại, tiêu dùng tăng hay xuất khẩu có nhiều điểm sáng, vì vậy EPS của các doanh nghiệp niêm yết có thể tạo đáy trong quý 3 và đi lên.
"Trong giai đoạn đầu thị trường từ đáy đi lên, đa phần các cổ phiếu đều ở trạng thái giảm sâu bật mạnh, nhưng sau giai đoạn đó, động lực của cổ phiếu phần lớn sẽ đến từ lợi nhuận, đặc biệt thị trường sẽ nhìn trước tương lai khoảng 6 - 12 tháng. Tôi cho rằng nhịp tăng sắp tới sẽ đến từ yếu tố chọn lọc cổ phiếu theo bức tranh lợi nhuận, sẽ đến từ các cổ phiếu đầu ngành, có lợi nhuận tốt sẽ phục hồi sớm hơn", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research, cho hay.
Theo báo cáo tại hội thảo, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vẫn là nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn của thị trường.
Đối với nhóm ngân hàng, một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng phục hồi và tăng trưởng như: chất lượng tài sản đã tốt sẵn và vẫn duy trì tích cực; có triển vọng phục hồi NIM nhanh hơn trung bình ngành (casa, room tín dụng) và triển vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đạt kế hoạch.
Trong khi với ngành bất động sản, dòng tiền có thể tìm đến các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí hấp dẫn, sản phẩm có cầu thực với tỷ lệ hấp thụ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!