Thị trường chứng khoán phái sinh: Dấu son tươi thắm trong lịch sử của TTCK Việt Nam

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 11/08/2017 06:23 GMT+7

VTV.vn - Thị trường chứng khoán phái sinh là mảnh ghép cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sáng 10/8, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là mảnh ghép cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau 17 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt đến độ ổn định, chuyên sâu, hoàn thiện về cấu trúc thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu: "Thị trường chứng khoán phái sinh là một bộ phận không thể tách rời và là một trong những trụ cột trong cơ cấu của thị trường chứng khoán hiện đại và Việt Nam tất yếu phải hướng đến. Đây là một sự kiện rất quan trọng, một dấu son tươi thắm trong lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam".

Sáng 10/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trung tâm lưu ký, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức nhấn chuông khai trương thị trường chứng khoán phái sinh đầu tiên của Việt Nam.

Kết thúc phiên đầu tiên, tổng khối lượng hợp đồng đã mở đạt 487, giá trị giao dịch trên 36,5 tỷ đồng. Theo giới quan sát phản ánh, mức độ tham gia của nhà đầu tư vừa hào hứng nhưng cũng khá thận trọng, chờ đợi xu hướng của thị trường.

Thông thường, để ra quyết định mua bán cổ phiếu nào đó, nhà đầu tư sẽ phân tích xem kết quả lợi nhuận của công ty đó có tốt hay không? Tỷ suất sinh lời thế nào, hay cổ tức, cổ phiếu thưởng ra sao. Nhưng để mua bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30, họ sẽ căn cứ vào đâu? Mua/bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30 không phải là mua/bán tất cả 30 cổ phiếu trong rổ chỉ số mà là mua bán dựa vào kỳ vọng tăng, giảm của VN30.

Chứng khoán phái sinh được nhà đầu tư xem là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng với đặc thù đòn bẩy lớn, giao dịch mua bán ngay trong ngày, chính sản phẩm này lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Để đảm bảo an toàn, các đơn vị thành lập thị trường đã xây dựng một cơ chế quản lý chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Rủi ro lớn nhất khi nhà đầu tư thiếu tiền thanh toán đã có CCP hay còn gọi là đối tác thanh toán trung tâm. CCP sẽ cảnh báo các nhà đầu tư, buộc họ phải nộp tiền thêm vào. Nếu nhà đầu tư không nộp, công ty chứng khoán nơi họ đăng ký sẽ phải nộp thay, hoặc buộc họ phải đóng vị thế. Còn trong trường hợp xấu nhất, khi nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, CCP lấy vốn của chính mình ra bù vào, đảm bảo thị trường không bị ảnh hưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước