Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 28/1, thanh khoản thị trường lại đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với ngày 27/1.
VN-Index đã trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 28/1. Vốn hóa cả 3 sàn bị "bốc hơi" tới hơn 12 tỷ USD.
Khoảng khắc có 1-0-2 trong ngày 28/1 khi các cổ phiếu nằm sàn la liệt, trắng bên mua. Điều đáng nói, đây là nhóm cổ phiếu bluechip mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, 30 cổ phiếu thuộc nhóm VN30.
Cơn sốt chứng khoán "hạ nhiệt"
Đây có lẽ là lần đầu tiên những nhà đầu tư chứng khoán F0 phải chứng kiến diễn biến này trên bảng điện tử. Diễn biến ngày 28/1 giống như giai đoạn VN-Index "rơi" hồi đầu năm 2008, cách đây 13 năm.
Điểm khác là nay chúng ta có giao dịch chứng khoán phái sinh, là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và chứng quyền của các cổ phiếu. Tất cả những ai ở vị thế "LONG" hợp đồng tương lại cũng đã gánh lỗ ngay lập tức, thậm chí những người giao dịch chứng quyền còn lỗ trung bình 20% trong ngày 28/1, có người lỗ 45%.
"Cơn sốt" chứng khoán nhiều tháng qua đã hạ nhiệt đáng kể. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Rõ ràng, ngày 28/1 người bán làm chủ cuộc chơi. Bán có thể là bán chủ động, tức là nhà đầu tư muốn bán để chốt lời, hoặc cắt lỗ, nhưng ngày 28/1, có hàng chục triệu cổ phiếu đã bị bán bị động, buộc phải bán dù nhà đầu tư không muốn bán. Bởi sau 3 phiên giảm trước đó, do dùng đòn bẩy tài chính, khi chạm ngưỡng ký quỹ, thông thường là 85%, công ty chứng khoán sẽ xả hàng của nhà đầu tư để đảm bảo khoản cho vay. Với nhà đầu tư F0, bức tranh đầu tư chứng khoán đã bớt màu hồng.
Cách đây ít ngày, nhiều người còn xếp hàng tại một công ty chứng khoán để chờ mở tài khoản, nhưng hiện nhiều người lại đang xếp hàng rời thị trường, bằng chứng là rất nhiều lệnh bán sàn trong ngày 28/1, có người bán vẫn có người mua. Tuy nhiên, những băng ghế trống tại đây đang cho thấy "cơn sốt" chứng khoán nhiều tháng qua đã hạ nhiệt đáng kể.
"Chắc mình cắt lỗ thôi. Thực sự mình chưa bao giờ trải qua cảm giác này. Sợ! Chắc mình phải học hỏi có kiến thức thêm rồi mới quay trở lại thị trường", anh Minh Quang (nhà đầu tư) chia sẻ.
"Một là do thông tin về COVID-19. Hai là do áp lực margin lớn trên các công ty chứng khoán hiện tại, lực bán mạnh đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn", bà Trần Thị Cẩm Hạnh, Giám đốc Môi giới, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nhận định.
Thị trường chứng khoán giảm kỷ lục, nhà đầu tư tổ chức mạnh tay mua
Trong 4 phiên giảm điểm gần đây nhất của VN-Index, nhìn vào thống kê này của Fiin Group, 3 phiên (từ 25 - 27/1) vừa qua, nhà đầu tư cá nhân là những người mua vào, còn các tổ chức trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài lại bán ra. Tuy nhiên phiên ngày 28/1 là một cú xoay 180 độ khi duy nhất chỉ có nhà đầu tư cá nhân bán ra.
Thị trường giảm kỷ lục, nhưng khối ngoại lại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp, với lượng mua ròng tăng vọt lên 574 tỷ đồng.
"Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh, lý do quan trọng nhất là người ta tìm được cổ phiếu tốt, giá rẻ. Thị trường Việt Nam đang được định giá ở mức PE chỉ 10.5 - 11 lần. Trung bình thị trường có khả năng đạt tăng trưởng về mặt lợi nhuận trên 30% cho thấy thị trường Việt Nam đang ở mức định giá rất hấp dẫn", bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital VFM, cho biết.
Khối ngoại mua vào ở tất cả các nhóm cổ phiếu, trong đó mạnh tay nhất là nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán; chủ yếu trên sàn thành phố. Nhiều nhất là các mã HPG (70 tỷ đồng), VHM (51 tỷ đồng) và STB (40 tỷ đồng).
Bên cạnh khối ngoại, nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đều mua ròng mạnh tay trong phiên ngày 28/1. Tính riêng trên HSX, tổ chức trong nước mua ròng 397,4 tỷ đồng; tự doanh mua ròng 216,8 tỷ đồng; nhà đầu tư cá nhân là bên bán ròng duy nhất.
Những phiên giật lắc như phiên ngày 28/1 khiến thế hệ nhà đầu tư F0 của thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội trải qua các cảm xúc mạnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
VN-Index đã giảm xấp xỉ 17% sau khi chạm ngưỡng tâm lý 1.200 điểm cách đây 2 tuần. Thanh khoản thậm chí cao hơn phiên trước 7,2% cho thấy dòng tiền vẫn đang rất dồi dào và vẫn đang tìm cơ hội với thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân bán ra rất mạnh vì những thông tin tiêu cực như COVID-19, điều này cũng giống như hồi cuối tháng 7/2020 khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng. Khi chính thức áp dụng lệnh giãn cách với TP Đà Nẵng ngày 28/7 cũng là ngày VN-Index tăng 26,6 điểm, tương đương 3,38%, sau đó liên tăng 7 phiên liên tiếp.
Có thể với những nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền ký quỹ, áp lực bán giải chấp cổ phiếu vẫn diễn ra ngay từ phiên ATO, tuy nhiên, nếu lực cầu đủ mạnh thì VN-Index sẽ có những chuyển biến khác chứ không phải là chỉ số giảm mạnh nhất châu Á như phiên ngày 28/1.
Những phiên giật lắc như phiên ngày 28/1 khiến thế hệ nhà đầu tư F0 của thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội trải qua các cảm xúc mạnh để lên đời trở thành các nhà đầu tư F1, F2. Nó cũng khiến giá hầu hết cổ phiếu trở về vùng hấp dẫn. Khi công tác kiểm soát dịch diễn ra hiệu quả, các yếu tố nền tảng của thị trường không thay đổi, cơ hội sẽ lại xuất hiện dành cho những nhà đầu tư vững tâm lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!