Trong khi đó, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tích cực, triển vọng nâng hạng đang đến gần. Dòng tiền vào thị trường cũng đang dần cải thiện lên mức cao hơn giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn chưa quá mạnh mẽ cho thấy phần nào sự thận trọng của các nhà đầu tư. Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, những yếu tố tác động đến thị trường như rủi ro về tỷ giá, lãi suất ở Mỹ… đã giảm đi và trong nước thị trường đang đón nhận nhiều thông tin tích cực tạo động lực cho thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông đã thấy, các nền kinh tế toàn cầu cũng đang dần đi qua giai đoạn xấu nhất và phục hồi dần, nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện nới lỏng tiền tệ, dự kiến Fed cũng tuyên bố đã đến lúc cắt giảm lãi suất… Các ông đánh giá như thế nào về bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS): Theo tôi, tính chu kỳ của kinh tế các nước và toàn cầu vốn không phải là một điều mới, vì vậy việc thế giới trải qua các giai đoạn suy giảm, bi quan, rồi tạo đáy và phục hồi như gần đây cũng là một việc bình thường. Ở các nước phát triển, từ thập niên 90 các ngân hàng trung ương đã ngày càng hoàn thiện quy trình điều tiết nền kinh tế thông qua lãi suất, đặc biệt là các cuộc suy thoái đến từ phía cầu. Khi kinh tế quá nóng, lãi suất được tăng lên để kìm bớt, khi kinh tế nguội dần, lãi suất được nới lỏng để kích thích. Ở đâu đấy, việc nền kinh tế có những biến động như vậy lại tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp, những nhà đầu tư có tầm nhìn và có sự kiên định, như Warren Buffett nói là "tham lam khi người ta sợ hãi" đó. Cùng với toàn cầu hóa, sản xuất luôn luôn dịch chuyển đến những nơi có chi phí thấp nhất. Điều đó giúp cho năng suất và sản lượng chung của thế giới có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những diến biến gần đây có lẽ mang nhiều đặc điểm riêng hơn so với những can thiệp của ngân hàng trung ương trong 30 năm qua. Đó là việc chúng ta đang trải qua giai đoạn hơi ngược lại với "toàn cầu hóa", khi các xung đột ở một số khu vực trên thế giới trở nên phức tạp với các lệnh trừng phạt về thương mại. Với việc dịch chuyển ngược lại, nhiều khả năng đà tăng trưởng chung toàn cầu sẽ khó có thể đạt được như mức trong thập nhiên 2010-2020. Nhìn chung, tôi cho rằng chúng ta đang đối diện với giai đoạn lịch sử, khi mà có những thay đổi sâu sắc cả về chất lẫn về lượng đối với kinh tế toàn cầu. Đây là giai đoạn nếu tận dụng được, Việt Nam sẽ có những đột phá mạnh mẽ để gia nhập tầng lớp các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao hơn nhiều so với mức 101,9 triệu/người/năm của năm 2023.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Theo tôi, nền kinh tế toàn cầu, hay mang tính đại diện là nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, đang diễn biến như kỳ vọng của chúng tôi. Chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã phát huy tác dụng trong việc kìm hãm lạm phát khi chỉ số chi tiêu cá nhân PCE tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 6/2024 vừa qua với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 5 và 2,7% trong tháng 4.
Nhưng ở mức độ nào đó, chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã tác động không mấy tích cực đến nền kinh tế. Chúng ta có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức 4,3% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức 3,7% ở thời điểm cuối năm trước. Nhiều tổ chức tài chính dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm nay và năm sau. Thị trường cũng lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu Fed không cắt giảm lãi suất kịp thời.
Tổng hợp lại, tôi cho rằng Fed nên bắt đầu giảm lãi suất trong tháng 9. Sau đó Fed có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không và ở mức độ bao nhiêu sẽ còn tùy vào diễn biến của lạm phát và thị trường lao động ở Mỹ.
BTV Mùi Khánh Ly: Còn ở trong nước, kinh tế cũng đang tăng trưởng tích cực với GDP quý II tăng ấn tượng. Theo các ông trong quý III và IV này thì nền kinh tế sẽ giữ đà tăng trưởng ra sao?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS): Tính đến hết tháng 6/20224, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng 6,42%, riêng quý II tăng trưởng 6,93%. Đây là tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm năm đứng thứ 2, chỉ kém năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Cũng phải chú ý là năm 2022 là năm tăng trưởng cao đột biến do dựa trên mức nền thấp của 2021 do giãn cách bởi dịch Covid 19.
Tốc độ tăng trưởng GDP như vậy là hết sức tích cực. Đầu năm nay chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5%, và với kết quả thuận lợi trong nửa dầu năm mục tiêu mới đang được hướng tới là 6,5-7,0%, và tôi cho rằng chúng ta nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu này.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, hướng tới xuất khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bằng chứng là kim ngạch XNK/GDP của Việt Nam thường vào khoảng 150%-180%, là mức cao của thế giới. Như Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 35%-40%, còn vào những giai đoạn tăng trưởng mạnh, tỷ lệ này của Trung Quốc cũng vào khoảng 65%-70% GDP (theo số liệu từ World Bank).
Với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, nhu cầu quốc tế có ảnh hưởng to lớn tới tăng trưởng của Việt Nam. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó, tăng trưởng âm khoảng 11,3% trong nửa đầu 2023 và cả năm cũng sụt giảm 4,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, năm nay nhu cầu thế giới với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ, và tăng trưởng xuất khẩu gộp trong 7 tháng đạt 15,1%, sẽ là trụ cột cho mức tăng trưởng cao nửa đầu 2024.
Việc xuất khẩu nước ta tăng trưởng nhanh lại là kết quả của việc Việt Nam thành công trong việc thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng – sản xuất thế giới. Và bằng chứng của việc này là tốc độ tăng trưởng cao khoảng 14,5% của FDI cam kết cũng như 8,4% của FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm nay.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Nếu chị và quý vị khán giả đọc các báo cáo hàng quý mà chúng tôi gửi cho nhà đầu tư của VCBF thì có thể thấy ngay từ đầu năm nay chúng tôi đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục khả quan. Chúng tôi duy trì quan điểm này cho giai đoạn cuối năm 2024 và kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong năm sau.
Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong quý II khi GDP tăng hơn 6,9% nhưng chủ yếu là đến từ sự hồi phục của khu vực sản xuất do xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại và từ khu vực dịch vụ khi ngành du lịch tiếp tục hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid. Trong khi tiêu dùng trong nước vẫn còn khá yếu, doanh số bán lẻ hàng hóa theo giá cố định chỉ tăng 5,7% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng đều nhận định rằng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm có hồi phục nhưng chưa mấy khả quan.
Nhưng chúng tôi cho rằng tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong hai quý còn lại của năm 2024 và đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế vì một số lý do. Đầu tiên là vì mặt bằng lãi suất trong nước còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể như quyết định kéo dài thời gian giảm thuế VAT cho đến hết năm nay và đề xuất giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước trong 3 tháng cuối năm nay. Một lý do khác nữa là chúng tôi tin rằng sau khi khu vực sản xuất và dịch vụ hồi phục, người dân sẽ lạc quan hơn về triển vọng việc làm và thu nhập của họ và từ đó sẽ tự tin hơn trong các quyết định chi tiêu.
BTV Mùi Khánh Ly: Trước đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng mới trải qua một đợt giảm điểm mạnh và hiện phục hồi trở lại. Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xuất hiện những phiên xanh điểm trở lại, dấy lên kỳ vọng về việc thị trường có thể vươn lên những ngưỡng mới? Còn ý kiến của các ông thì sao?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS): Hiện, thị trường đã có những phiên tăng điểm rất tích cực, với thanh khoản được cải thiện và các cổ phiếu trụ kéo theo đa số cổ phiếu niêm yết tăng điểm. Xét theo yếu tố ngắn hạn, chỉ số VN Index nhiều khả năng quay lại ngưỡng 1.300 điểm trước đó. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại liên tục quay lại giải ngân cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay cũng là một điểm cộng cho thị trường, nhất là trong bối cảnh Fed đã tuyên bố đã đến lúc cắt giảm lãi suất.
Nhìn về dài hạn hơn, VN Index cũng đang có nhiều triển vọng kiểm chứng lại vùng 1.500 điểm của năm 2022. Các yếu tố kìm chế VN Index thời gian qua đa phần đã được cải thiện cụ thể như là tỷ giá đã ổn định trở lại. Hiện, tỷ giá liên ngân hàng đang dao động quanh vùng khoảng 24.900-24.950 VND đổi một USD, cách gần 2% so với mức cao của giai đoạn trước, việc ổn định tỷ giá đến từ việc cán cân vãng lai thặng dư cũng như dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. NHNN cũng đã thành công trong việc kiểm soát những kiến động trên thị trường vàng.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự ổn định của hệ thống chính trị, và quyết tâm phát triển kinh tế của các lãnh đạo đất nước. Trên thị trường chứng khoán, hiện thị trường đang ở mức định giá rất thấp, PB đang ở mức thấp nhất lịch sử còn PE cũng đang ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn có một số yếu tố rủi ro như có thể bị tác động bởi dòng tiền và một số biến động quốc tế như việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm như dự báo hay không…gây ra tác động kìm chế trong trung hạn, nhưng về dài hạn thị trường đang trong xu hướng tích cực.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Chúng tôi không cố gắng dự đoán điểm số của thị trường trong ngắn hạn nhưng xin chia sẻ một số nhận định như sau. Trước hết tôi cho rằng môi trường vĩ mô hiện nay phù hợp cho việc phân bổ tài sản vào các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu. Trong ngắn hạn, thị trường có thể đón nhận nhiều tin tích cực khác như việc Fed sớm giảm lãi suất và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo dự báo của các ông, nhóm ngành nào sẽ vươn lên dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS): Nhìn nhận đóng góp cho đà tăng của thị trường ở nhịp tăng này, ở những phiên gần đây, có thể thấy nhóm cổ phiếu BĐS, chứng khoán, tiêu dùng đã có diễn biến rất tích cực và tác động lên đà tăng của chỉ số chung. Với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới tại nhóm dệt may, hóa chất hay nhóm lợi nhuận có dấu hiệu tạo đáy là dầu khí, thì những nhóm ngành này hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt mới. Bên cạnh đó không thể không kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, đóng vai trò rất quan trọng trong chỉ số chung. Có thể thấy những phiên gần đây có những diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khối quốc doanh và mang tính chất cục bộ. Chúng tôi cho rằng chỉ số chung sẽ có diễn biến tích cực nếu đà tăng lan tỏa trên cả nhóm ngân hàng và kéo chỉ số thoát vùng 1. 200.
Ngoài ra tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm chứng khoán vì khi thị trường sôi động trở lại và nền lãi suất đang thấp sẽ hỗ trợ hoạt động cho vay margin. Định giá nhiều cổ phiếu thấp khiến nhà đầu tư có thể mạnh tay giải ngân, bên cạnh đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường đang đến gần. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối non trẻ, cơ cấu vốn để cung cấp cho nền kinh tế Việt Nam đa phần đến từ ngân hàng, nhưng về mặt thực tiễn ở tất cả các quốc gia, kể cả như Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy có sự dịch chuyển giữa nguồn vốn của ngân hàng với các nguồn vốn ở trên thị trường chứng khoán. Bởi sẽ có rất nhiều khoản cho vay mà mang tính chất rủi ro, không phù hợp với các điều kiện của ngân hàng chỉ thông qua các công cụ chứng khoán, chúng ta mới có thể phân phối rủi ro đấy cho thị trường và để mọi người có thể tiếp cận và giúp hỗ trợ nền kinh tế.
Và cuối cùng nữa là sự tăng trưởng của công ty chứng khoán dựa trên quy hoạch và định hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong của Chính phủ đến hết 2025 với tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán 100% GDP hay là tỷ trọng về trái phiếu cũng ở mức rất cao, và các công ty chứng khoán tôi nghĩ sẽ vừa là đơn vị hỗ trợ cho nền kinh tế để đạt những mốc cao hơn, vừa là đơn vị hưởng lợi tương đối nhiều trong tiến trình đấy của Việt Nam.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Chúng tôi nhận thấy triển vọng của nhiều cổ phiếu trong ngành tài chính, ngành lớn nhất trong chỉ số VN Index, vẫn rất khả quan. Chúng tôi tin rằng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong thời gian tới và giúp ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản. Định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vũng hấp dẫn, bình quân chỉ khoảng 1,1 lần giá trị sổ sách năm 2024, thấp hơn mức bình quân trung vị trong 10 năm là khoảng 1,5 lần. Chúng tôi cũng thấy cơ hội ở một số cổ phiếu trong ngành chứng khoán, đặc biệt là các công ty có thị phần lớn trong giao dịch của khối ngoại vì các công ty này sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.
Ngoài ngành tài chính, chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư vào các công ty tốt ở thời điểm hiện nay là khá chọn lọc. Mặc dù chỉ số VN Index tăng gần 14% từ đầu năm nhưng nhiều cổ phiếu tốt trong các ngành như ngành CNTT, hàng Tiêu dùng không thiết yếu đã tăng nhiều. Do đó, tôi cho rằng giá cổ phiếu hiện nay đã phản ảnh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn và vì vậy cần thời gian tích lũy. Đây vẫn là hai nhóm ngành chúng tôi ưa thích trong dài hạn vì chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp tốt trong hai ngành này sẽ được hưởng lợi từ xu hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và xu hướng gia tăng thu nhập và chi tiêu ở Việt Nam. Cũng với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi tin rằng xu hướng gia tăng sản xuất ở Việt Nam sẽ tiếp diễn và các công ty đầu ngành trong các lĩnh vực dịch vụ tiện ích và kho vận sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao và chúng tôi tiếp tục nắm giữ các công ty này trong danh mục.
BTV Mùi Khánh Ly: Thực tế sau những lần giảm điểm mạnh vừa qua, các nhà đầu tư hiện đã quan tâm hơn nhưng vẫn đang tỏ ra khá thận trọng khi thanh khoản tăng nhưng không quá mạnh mẽ. Theo các ông nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào vào thời điểm này?
Ông Nguyễn Kỳ Minh, CFA, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS): Tại thời điểm hiện tại, như đã nói mặc dù các thông tin tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn một số yếu tố kìm chế trong ngắn hạn. Vì vậy, với các nhà đầu tư ngắn hạn, việc quan sát kỹ dòng tiền và giải ngân theo các phiên bùng nổ là phù hợp. Đối với nhà đầu tư dài hạn, ít sử dụng đòn bẩy, tôi nghĩ việc gia tăng tỷ trọng một cách đều đặn trong giai đoạn vừa qua và cả giai đoạn này là hợp lý. Nhìn chung 2022 là một thời điểm hội tụ nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước, khi đó chỉ số VN Index giảm về mốc 880-900 điểm.
Hiện tại, sau gần 2 năm, cung tiền, quy mô nền kinh tế đã có sự mở rộng tương đối, nhìn chung mốc 1.200 hiện tại chỉ cao hơn một chút so với mốc thấp 2022 nếu tính thêm cả sự mở rộng của cung tiền và nền kinh tế. Như vậy, khi chúng ta đang ở vùng đáy của thị trường và chuẩn bị cho những cơn sóng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ như Việt Nam đã trải qua vào giai đoạn sau 2012, thì việc quan trọng nhất là các nhà đầu tư không rời bỏ thị trường, tiếp tục nắm giữ và quan sát cũng như giải ngân ngay khi có mức giá ưng ý là rất quan trọng. Đối với các nhà đầu tư tại Guotai Junan, rất nhiều khách hàng là các định chế trong cà ở nước ngoài, họ đầu tư theo xu hướng dài hạn, khi đầu tư dài hạn, họ sẽ quan sát thị trường khá kỹ và họ giải ngân một cách từ tốn.
Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Việc thị trường tăng giảm điểm trong ngắn hạn là điều hết sức bình thường. Khi đầu tư cổ phiếu, tôi cho rằng hai điều quan trọng nhất nhà đầu tư cần quan tâm là chất lượng và triển vọng của doanh nghiệp mình đầu tư vào và thứ hai là định giá. Sự kiên nhẫn là một yếu tố quan trọng khác đơn giản là vì doanh nghiệp cần thời gian để thực hiện các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc là các chương trình tái cơ cấu.
Do đó, lời khuyên của tôi là các nhà đầu tư nên dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các doanh nghiệp và nếu tin rằng giá cổ phiếu hiện nay là rẻ so với lợi nhuận trong tương lai của các doanh nghiệp này thì nên kiên trì nắm giữ. Nếu định giá chưa phù hợp thì có thể đợi những lúc thị trường điều chỉnh để mua vào. Đây cũng là chiến lược mà chúng tôi áp dụng và hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở của VCBF là minh chứng cho sự hiệu quả của chiến lược này. Chúng tôi tận dụng cơ hội thị trường điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua để mua vào các cổ phiếu tốt mà chúng tôi đã phân tích và định giá. Hiện nay chúng tôi tiếp tục nắm giữ một danh mục cổ phiếu đa dạng bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt, có lợi thế cạnh trạnh vững mạnh ở các mức định giá hấp dẫn hoặc phù hợp với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong 3 đến 5 năm tới.
Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!