Mức tăng lạc quan của các thị trường chứng khoán phần lớn được thúc đẩy bởi sự thay đổi mạnh mẽ trong kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư. (Ảnh minh họa - Ảnh: AFP)
Trong liên tiếp 2 tháng cuối năm 2023, hàng loạt các thị trường chứng khoán từ Mỹ cho đến châu Âu, từ sàn chứng khoán London cho tới các sàn chứng khoán Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) đều ghi nhận các đợt tăng mạnh và kéo dài.
Chỉ số S&P 500 của Phố Wall đóng cửa năm 2023 chỉ thấp hơn chút so với ngưỡng cao kỷ lục, ghi nhận tăng 24% điểm cho cả năm 2023. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones, vào ngày 28/12, lần thứ hai vượt qua mức đỉnh của năm, đưa chỉ số này tăng tổng cộng 13,7% điểm trong cả năm 2023 so với một năm trước.
Kết thúc năm 2023, chỉ số MSCI toàn cầu, thước đo chung về cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu, đã tăng 16% kể từ cuối tháng 10/2023 và tăng 22% trong cả năm, đạt mức tăng tốt nhất trong 4 năm gần đây.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng lạc quan của các thị trường chứng khoán phần lớn được thúc đẩy bởi sự thay đổi mạnh mẽ trong kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư. Một loạt dữ liệu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới gần đây cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các ngân hàng trung ương lớn đã tiết lộ hoàn tất chu trình tăng lãi suất, tiến tới cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Hơn nữa, sự đồng thuận ngày càng tăng của các nhà đầu tư rằng chi phí đi vay sẽ giảm mạnh vào năm 2024 cũng đã "châm ngòi" cho sự phục hồi của thị trường trái phiếu, thu hút các nhà đầu tư vào cổ phiếu khi họ tìm kiếm nguồn lợi nhuận cao hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, một chuẩn mực cho tài sản tài chính toàn cầu, đã giảm 3,87% từ mức hơn 5% trong tháng 10/2023, khi lạm phát tiếp tục trượt dốc. Động thái này tạo đà cho trái phiếu tăng giá, đồng thời thúc đẩy các thị trường chứng khoán.
Chiến lược gia mảng tài sản của công ty T Rowe Price, Tim Murray, nhận định việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) xoay trục chính sách tiền tệ đã tạo ra tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư, mở rộng xu hướng tích cực cho năm mới 2024.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường ước đoán FED sẽ có tổng cộng 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, bắt đầu từ mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2024. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ có sáu lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng các thị trường đang lạc quan quá mức khi tin tưởng lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm nếu nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái.
Chuyên gia Greg Peters, đồng Giám đốc đầu tư của công ty PGIM, nói niềm tin lạc quan của các nhà đầu tư xung quanh việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu giảm dần trong năm mới. Theo nhận định của vị chuyên gia này, các ngân hàng trung ương lớn sẽ đảo chiều chính sách lãi suất nhưng vẫn còn chờ xem xét dữ liệu thực của các nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!