Ngày 3/10, thị trường dầu châu Á đã có những dấu hiệu chững lại khi chứng kiến dầu WTI và Brent đều giảm đầu phiên trước khi giữ thế đi ngang. Nguyên nhân chính được cho là do lượng dự trữ dầu của Mỹ gia tăng cùng đồng USD lên giá. Bất chấp điều này, xu hướng của giá dầu vẫn được dự báo sẽ đi lên và ảnh hưởng khó lường tới nền kinh tế toàn cầu.
Các phiên đầu tuần đã chứng kiến giá dầu lập đỉnh cao nhất kể từ cuối năm 2014. So với hồi đầu năm, giá dầu Brent, chỉ số chính trên thị trường dầu quốc tế, đã tăng trên 20%. Viễn cảnh lần đầu tiên giá dầu chạm mức 100 USD trong vòng 4 năm qua đã không còn quá xa vời theo giới phân tích.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu Iran được cho là yếu tố hàng đầu làm nóng thị trường dầu năm nay. Sau khi phía Mỹ ra hạn chót vào tháng 11 buộc các nước ngừng nhập dầu Iran, nguồn cung xuất khẩu của nước này với nhiều đối tác đã sụt giảm quá nửa. Ngay cả Trung Quốc, đối tác nhập dầu số 1 của quốc gia Trung Đông, cũng đang có dấu hiệu sẽ chấp nhận nhượng bộ để tránh lệnh trừng phạt này.
Theo đánh giá của Bloomberg, giá dầu 100 USD sẽ bớt tác động đến kinh tế thế giới hơn so với hồi năm 2011, do các nước đều đang giảm sự phụ thuộc vào dầu. Tuy nhiên, với nhiều nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Philippines hay Indonesia, nguy cơ lạm phát do giá dầu cao khá rõ ràng. Bản thân chính quyền Mỹ hiện cũng đang kêu gọi các nước OPEC và Nga bắt tay tăng nguồn cung để hạ nhiệt thị trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!