Thị trường gạo xuất khẩu sôi động trở lại

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:24 GMT+7

VTV.vn - Vượt qua trở ngại giá chi phí logistic, vật tư đầu vào tăng cao, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đón nhiều tín hiệu khả quan.

Sôi động thị trường lúa gạo

Thời điểm này, tại ĐBSCL - nơi chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, vụ lúa Đông Xuân đang dần kết thúc, cùng với đó hoạt động thu mua tích trữ lúa của doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã hoàn thành. Đặc biệt hoạt động xuất khẩu gạo 2 tuần trở lại đây đang có dấu hiệu sôi động hơn, giá xuất khẩu cũng đang ngưỡng cao trong vòng hơn 3 tháng qua.

Những ngày qua, Công ty Việt Hưng, Tiền Giang đang hoạt động hết công suất để đóng hàng đi Hong Kong (Trung Quốc). Vì nhu cầu thị trường hồi phục và có phần tăng cao nên giá bán cũng có sự điều chỉnh từ 415 - 500 USD/tấn tùy chủng loại.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty Việt Hưng, Tiền Giang cho biết: "Tín hiệu xuất khẩu rất tốt. Cuối tháng 5 Philippines đẩy mạnh mua vào thì thị trường sẽ khởi sắc hơn".

"Trong 2 tuần gần đây giá có nhích lên vì nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia khác và thị trường trong nước hết vụ nên khách hàng cũng mua trữ", ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty Phước Thành IV, Vĩnh Long cho hay.

Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu so với Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong đó, gạo 5% tấm tăng từ 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn; gạo 100% tấm tăng 17 USD/tấn sau 3 đợt điều chỉnh. Những thông tin tích cực này cũng đã giúp giá lúa khu vực ĐBSCL tăng nhẹ và giữ ổn định từ 5.500 - 6.000/kg tùy loại.

Thị trường gạo xuất khẩu sôi động trở lại - Ảnh 1.

Hoạt động thu mua tích trữ lúa của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã hoàn thành. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Chủ động tăng cường sản phẩm gạo thơm để thúc đẩy sản xuất

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, quí II sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua vào như tín hiệu tích cực từ Philippines khi giấy phép nhập khẩu SPS vào tháng 5 tới được phê duyệt. Chính vì thế doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và kí kết các hợp đồng mới

Một diễn biến cần phải lưu tâm khi mà giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng gần 11%. Theo các doanh nghiệp, mặc dù thị trường xuất khẩu quý II hứa hẹn khởi sắc, nhưng để giá xuất khẩu của gạo Việt Nam tăng lên trong thời gian tới còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của từng doanh nghiệp.

Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước đã quen với sản phẩm gạo của doanh nghiệp nội địa, với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Cũng bằng cách này, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang bắt đầu xuất khẩu các loại gạo này được đóng gói nhỏ với chính thương hiệu của doanh nghiệp ra chinh phục thị trường nước ngoài - điều mà hàng chục năm nay, ngành gạo Việt Nam mới làm được.

Tập đoàn Tân Long này vừa xuất khẩu được hơn 100 tấn gạo mang chính thương hiệu của họ vào thị trường Nhật Bản. Điều này không chỉ làm tăng trị giá lên 20% mà còn là bước đầu khẳng định chất lượng, thương hiệu gạo của họ tại thị trường khó tính.

Trước đó, họ đã chủ động mở rộng diện tích lúa cận hữu cơ mới đạt tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính, theo đúng định hướng phát triển tái cơ cấu của cả ngành.

Còn với Tổng công ty lương thực miền Bắc, trước đây xuất khẩu nhiều gạo trắng, phẩm cấp thấp nay cũng chuyển dịch mạnh, tăng cường mặt hàng gạo thơm chất lượng cao, chủ động tìm kiếm thêm thị trường mới. Hiện tỷ trọng xuất khẩu 2 loại gạo trên là 50:50.

Thị trường gạo xuất khẩu sôi động trở lại - Ảnh 2.

Theo Bộ Công Thương xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ đạt được mục tiêu 6,7 triệu tấn. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sau khi các doanh nghiệp đưa được thương hiệu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới, điều quan trọng phải giữ được tính ổn định về cả chất lượng, giá cả và tuân thủ cam kết thời gian giao hàng.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Thương hiệu gạo còn phải dựa trên yếu tố về mặt lâu dài tức sự ổn định về chất lượng, độ thơm, ngọt và các đặc tính khác. Nó phải qua một quá trình phát triển và duy trì được những đặc tính đó mới trở thành một thương hiệu bền vững".

Theo dựa báo, thương mại gạp toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100 nghìn tấn so với năm 2021. Từ nhu cầu lương thực của thế giới và nguồn cung thóc gạo của Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp, xung đột Nga - Ukraine đang căng thẳng nhưng theo Bộ Công Thương xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ đạt được mục tiêu 6,7 triệu tấn.

RCEP có hiệu lực từ tháng 1/1/2022 có mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn với các nước ASEAN, Trung Quốc… đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gạo Việt Nam tiếp cận mạnh hơn vào Philippines và Trung Quốc.

Hay tại thị trường EU, Việt Nam hiện đang có lợi thế hơn so với Thái Lan, khi mỗi năm có hạn ngạch khoảng 80.000 tấn gạo ưu đãi thuế nhập khẩu vào thị trường này. Theo Bộ Công Thương trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tận dụng hơn các hiệp định thương mại trên để tìm kiếm thêm các hợp đồng dựa vào những lợi thế trên.

.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước