Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE), Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Nhờ dòng thanh khoản trong suốt thời kỳ bùng phát dịch COVID-19, lãi suất ở mức siêu thấp và sự khởi sắc của các thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp châu Á đã trải qua một quý sôi động nhất từ trước đến nay trên thị trường IPO (hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Theo số liệu của Bloomberg, các doanh nghiệp ở châu Á trong quý I/2021 đã huy động được 49,3 tỷ USD thông qua IPO tại thị trường trong nước và ở nước ngoài, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên quy mô toàn cầu, các thương vụ IPO đã huy động được số vốn chưa từng có tiền tệ, 215 tỷ USD, trong đó gần một nửa đến từ làn sóng bùng nổ tại Mỹ trong hình thức IPO thông qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Tuy nhiên, Bloomberg dự báo, thị trường IPO tại châu Á lại đang sắp bước vào thời kỳ điều chỉnh mới.
"Cơn cuồng" các cổ phiếu trong mảng chăm sóc y tế và công nghệ, vốn đã chi phối thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua, cùng xu hướng IPO thông qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) có khả năng hạ nhiệt, dẫn tới triển vọng cho những thương vụ IPO mới thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, thị trường IPO ở châu Á đang chứng kiến việc các công ty công nghệ của Trung Quốc, vốn dẫn dắt hoạt động huy động vốn khu vực, đang gặp nhiều khó khăn do các cuộc điều tra chống độc quyền của cơ quan quản lý trong nước.
Không chỉ chịu nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý trong nước liên quan đến các hành vi độc quyền, các công nghệ của Trung Quốc còn là trọng tâm trong căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điển hình là gần đây, Washington đã thúc đẩy dự thảo luật loại các công ty Trung Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của nước này. Kéo theo đó là những màn IPO "kém nhiệt" của các công ty đến từ Trung Quốc. Với số vốn huy động được 507 triệu USD, công ty công nghệ tài chính Bairong Inc. đã có màn ra mắt tồi tệ nhất trong ba năm qua trong số các thương vụ IPO có trị giá trên 500 triệu USD tại Hong Kong (Trung Quốc). Kịch bản tương tự cũng xảy ra với công cụ tìm kiếm Baidu Inc. và dịch vụ phát video Bilibili Inc..
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!