Thị trường mua bán quyền phát thải tại châu Âu

Lê Hồng Quang - Phóng viên Đài THVN thường trú tại châu Âu-Chủ nhật, ngày 16/06/2024 11:15 GMT+7

VTV.vn - Liên minh châu Âu có sàn giao dịch phát thải đầu tiên trên thế giới và cũng là lớn nhất thế giới với khoảng 3/4 thị trường phát thải toàn cầu.

Với mục tiêu tới năm 2030 giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990, Liên minh châu Âu đã tạo lập hệ thống mua bán quyền phát thải từ năm 2005.

Đó là một cơ chế thị trường, bắt buộc doanh nghiệp phát thải nhiều phải bỏ tiền mua quyền phát thải, từ đó tạo động lực thúc đẩy giảm khí thải có hại cho khí quyển.

Liên minh châu Âu có sàn giao dịch phát thải đầu tiên trên thế giới và cũng là lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải toàn cầu. Hàng ngày, 11.000 doanh nghiệp tại tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu mua bán quyền phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Bà Juliette Lebrun từ Công ty môi giới Leyton cho biết: "Hạn ngạch carbon tương đương với 1 tấn carbon thải vào khí quyển, liên quan tới tất cả các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng, luyện kim, cho tới giao thông vận tải và sản xuất điện năng. Liên minh châu Âu phân bổ mức trần cho các quốc gia thành viên, rồi mỗi nước lại phân bổ hạn ngạch cho từng ngành, từng doanh nghiệp, căn cứ trên mức phát thải của năm sát trước".

Mỗi cơ sở công nghiệp hay vận tải trong Liên minh châu Âu đều bị áp định mức khí thải, thải nhiều hơn phải mua thêm quyền phát thải, ít hơn thì có thể bán quyền chưa sử dụng hết. Bên mua bên bán có thể giao dịch theo giá thỏa thuận tay đôi nhưng phần lớn là mua bán trên sàn dưới dạng hợp đồng thời hạn. Có hợp đồng kỳ hạn thì có đầu cơ, tính toán khi nào nên mua khi nào nên bán. Các bên mua bán thông qua công ty dịch vụ môi giới, y như với chứng khoán.

"Các công ty môi giới giúp khách hàng giao dịch trực tiếp hoặc thông qua các hợp đồng tương lai để đảm bảo có mức giá tốt nhất cả trên thị trường kỳ hạn và thị trường giao ngay" - bà Juliette Lebrun chia sẻ.

Giá mua bán quyền phát thải trồi sụt theo quy luật cung cầu. Nhu cầu thường cao hơn khi hoạt động sản xuất sôi động, kinh tế tăng trưởng hoặc khi giá dầu tăng. Giá quyền phát thải đã có lúc vượt quá 100 Euro. Giờ đây khi năng lượng sạch vươn lên chiếm tỷ trọng lớn, mùa đông không quá lạnh làm giảm nhu cầu khí đốt, giá quyền phát thải đã giảm mạnh vào cuối tháng 2 năm nay và tới đầu tháng này khoảng 75 Euro/tấn.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu - cho rằng: "Trong 18 năm kể từ khi Liên minh châu Âu định giá carbon, lượng khí thải tại các nước thành viên đã giảm 40%, trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng và chúng tôi đã thu được hơn 175 tỷ Euro. Toàn bộ số tiền này được chi cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các nước đang phát triển".

Giá quyền phát thải cao thúc đẩy doanh nghiệp phải giảm thải hoặc chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn, cách nào thì cũng có lợi cho mục tiêu môi trường. Ủy ban châu Âu còn tăng dần áp lực bằng cách sau mỗi năm lại đặt định mức phát thải thấp hơn, buộc doanh nghiệp ô nhiễm tại châu Âu phải mua thêm quyền phát thải. Cơ chế thị trường carbon đang giúp Liên minh châu Âu tiến nhanh hơn trong thực hiện cam kết khí hậu toàn cầu.

Phát thải từ sản xuất nhựa có thể tăng gấp 3, chiếm đến 20% lượng khí thải carbon toàn cầu Phát thải từ sản xuất nhựa có thể tăng gấp 3, chiếm đến 20% lượng khí thải carbon toàn cầu

VTV.vn - Một phân tích cho thấy vào giữa thế kỷ này, lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất nhựa có thể tăng gấp 3 lần, chiếm 1/5 tổng lượng carbon còn lại của Trái đất.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước