Thị trường “mua ngay trả sau” - quy trình thoáng có kèm rủi ro cao?

Chinh Vũ-Thứ bảy, ngày 14/08/2021 11:36 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập của đại đa số người dân ít nhiều bị ảnh hưởng, cũng là lúc các dịch vụ “mua ngay trả sau” hoạt động rầm rộ hơn tại Việt Nam.

Hoạt động chưa được 1 năm, công ty khởi nghiệp về dịch vụ “mua ngay trả sau” Fundiin đã gọi được vòng vốn hàng triệu USD, có trong tay hơn 20.000 người dùng tại Việt Nam.

Đại diện startup cho biết, tốc độ tăng trưởng hiện nay còn cao hơn trước thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4, do đánh trúng nhu cầu mua hàng trực tuyến trước, trả sau và không phát sinh phí phạt trễ hạn thanh toán. "Chỗ kiếm tiền" thật sự của startup nằm ở nguồn chiết khấu.

"Nguồn thu chính của chúng tôi đến từ chi phí marketing của đơn vị bán lẻ. Khách hàng họ muốn mua sản phẩm, thì chúng tôi sẽ mua sản phẩm đó và bán lại cho khách hàng để họ thanh toán trả sau dưới hình thức công nợ thương mại, đồng thời chịu hoàn toàn rủi ro từ khâu thanh toán của người tiêu dùng", ông Nguyễn Ảnh Cường, Đồng sáng lập, CEO Fundiin, cho biết.

Một mô hình “mua ngay trả sau” khác là công ty ví điện tử bắt tay với ngân hàng để cung cấp thêm dịch vụ trả sau cho lượng người dùng sẵn có. Hình thức này về bản chất vẫn là ngân hàng cho vay tín dụng, vẫn tính các khoản lãi phạt nếu người dùng trễ hạn thanh toán. Tuy nhiên nhờ có vai trò trung gian của ví điện tử, phê duyệt hạn mức vay không bằng giấy tờ thủ tục thông thường mà dựa trên dữ liệu hành vi của người dùng trên ví, giúp ngân hàng mở rộng hơn tệp khách hàng.

Thị trường “mua ngay trả sau” - quy trình thoáng có kèm rủi ro cao? - Ảnh 1.

Dịch vụ “mua ngay trả sau” hoạt động rầm rộ hơn tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: NLĐ)

"Chúng tôi có thể xem là khách hàng thường xuyên mua hàng như thế nào. Họ thanh toán tiền điện, nước, nạp tiền điện thoại ra sao, để từ đó đưa ra một phương pháp đánh giá, cách làm đơn giản hơn và nhanh hơn rất nhiều", ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo, chia sẻ.

Để quản trị rủi ro và tránh phát sinh nợ xấu, các công ty công nghệ làm “mua ngay trả sau” đều phải xây dựng được cho mình một hệ thống đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu đủ tốt. Tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo, người dùng nếu sử dụng dịch vụ của các đơn vị không uy tín, hoàn toàn có thể rơi vào chiếc bẫy nợ xấu.

"Vẫn sẽ có những "con sâu làm rầu nồi canh", khi một số tổ chức tín dụng đen có thể núp bóng các công ty tài chính công nghệ để cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất cao, cho vay vô tội vạ và bắt người vay trả nợ như cách mà các ứng dụng cho vay online trá hình trong thời gian qua", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Theo nghiên cứu, thị trường ứng dụng “mua ngay trả sau” trên thế giới sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% một năm. Một số startup ngoại làm mảng này đã được định giá hàng chục tỷ đô. Dù vậy theo giới quan sát, thị trường Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.

Ghi nhận tại một số đơn vị, tỷ lệ người dùng không được duyệt dùng dịch vụ lên đến 30%, dù hạn mức của “mua ngay trả sau” thường chỉ dưới 5 triệu đồng.

Square thâu tóm Afterpay: Kỳ vọng bùng bổ dịch vụ “mua ngay - trả sau” Square thâu tóm Afterpay: Kỳ vọng bùng bổ dịch vụ “mua ngay - trả sau”

VTV.vn - Nền tảng thanh toán trực tuyến Square của ông chủ Twitter Jack Dorsey vừa tuyên bố sẽ mua lại công ty Afterpay chuyên về lĩnh vực "mua ngay - trả sau" của Australia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước