Thị trường năng lượng đối mặt với nhiều rủi ro

VTV Digital-Thứ hai, ngày 05/07/2021 16:03 GMT+7

VTV.vn - Sau những bế tắc tuần trước, OPEC+ được kỳ vọng sẽ sớm đạt thỏa thuận về việc tăng sản lượng trong ngày 5/7, trước khi thị trường phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Với sự ủng hộ của các thành viên khác bao gồm Nga, Saudi Arabia muốn liên minh dầu mỏ tăng sản lượng khai thác khoảng 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 8 - 12/2021; đồng thời gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng cho đến cuối năm 2022 để giữ ổn định cho liên minh.

"Chúng ta cần phải tìm cách để cân bằng lợi ích của các nước sản xuất và tiêu thụ dầu, cũng như đảm bảo sự ổn định của thị trường nói chung, đặc biệt là khi tình trạng khan hiếm có thể xảy ra do lượng dầu dự trữ giảm", Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói.

Tuy nhiên, thỏa thuận đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC trong năm 2020. UAE cho biết, chỉ ủng hộ việc tăng sản lượng từ tháng 8 và yêu cầu OPEC+ nâng mức cơ sở để tính hạn mức khai thác cho nước này vào năm 2022.

Thị trường năng lượng đối mặt với nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Nếu OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận chung, thị trường sẽ bị siết chặt và giá dầu thô có thể tăng vọt. (Ảnh minh họa: Reuters).

Ông Suhail Al Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết: "UAE muốn tăng sản lượng vô điều kiện, thị trường đang cần bơm thêm dầu. Quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 là không cần thiết ở thời điểm hiện tại, bởi thỏa thuận vẫn còn từ 8 - 9 tháng và chúng tôi có rất nhiều thời gian để thảo luận về điều này".

Cả Saudi Arabia và Nga đều từ chối việc tính toán lại cơ sở hạn mức khai thác cho UAE bởi lo ngại rằng, các thành viên khác trong OPEC+ cũng có thể đưa ra yêu cầu tương tự, tạo tiền lệ xấu và khiến thỏa thuận sụp đổ.

Tình trạng bế tắc hiện nay được dự báo có thể khiến giá dầu phải đối mặt với những rủi ro theo hai hướng. Nếu OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận chung, thị trường sẽ bị siết chặt và giá dầu thô có thể tăng vọt.

Tuy nhiên, trong một kịch bản kịch tính hơn, khi OPEC+ không còn thống nhất và các nước thành viên tự do khai thác theo ý muốn, giá dầu có thể sẽ lao dốc nghiêm trọng như hồi năm 2020, khi xảy ra bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia.

Thậm chí, nhiều ý kiến còn cảnh báo UAE có thể rời bỏ khối hoàn toàn, nếu những bất đồng không sớm được giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước