Đó mới chỉ là với sản phẩm được đo tuổi theo yêu cầu của khách, còn rất nhiều sản phẩm khác trong tiệm của anh vẫn chưa được kiểm định lại, mà có bỏ tiền kiểm định cũng chưa chắc cho kết quả chính xác.
Anh Trần Xuân Hùng cho biết: “Cùng một sản phẩm như chiếc nhẫn hay vòng mà đo ở các máy khác nhau đều có chênh lệch nhau. Chênh lệch như đo giữa hai máy khác nhau là 2,3 zem thậm chí 1 li cũng có. Sản phẩm chỉ tương đối chứ rất khó tuyệt đối được”.
‘ Ảnh minh họa.
Kiểm định được hết đã là chuyện khó, xử lý chúng thế nào lại là điều khó hơn. Vì nếu dán nhãn theo đúng hàm lượng đo được thì sẽ rất nhiều sản phẩm không đạt chuẩn 18K hay 24K như phổ biến, mà sẽ lộ thêm nhiều tuổi vàng khác thấp hơn. Uy tín và doanh số của doanh nghiệp tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu đem nấu để chế tác lại thì cũng lỗ nặng.
Anh Nguyễn Đức Thịnh, chủ cửa hàng vàng 375 Đội Cấn băn khoăn cho biết: “Hiện tại, tôi bày hàng Italy và hàng công nghệ có dấu sẵn nên có thể đảm bảo được 60-70%, số còn lại thì phải quay lại đầu công ty sản xuất dán tem, dấu thì rất phức tạp. Khi quy định như Thông tư 22, tất cả các hàng hóa làm rồi phải nấu lại hết, tốn rất nhiều chi phí nhân công, thời gian, tiền bạc”.
Tại Tập đoàn DOJI, chiếc máy thử tuổi vàng không một chút tiếng động, cho kết quả chính xác đến 1/1000 chỉ trong 1 phút. Một chiếc máy hiện đại, với vốn đầu tư lớn mà đại diện DOJI chia sẻ chỉ có 1-2 doanh nghiệp lớn là có thể sở hữu.
Không phải lo xử lý hàng tồn do từ trước đến nay sản phẩm đã khá đầy đủ tiêu chuẩn về nhãn mác và chất lượng, cũng không lo chuyện sản xuất sắp tới vì đã có công nghệ hiện đại, máy móc đắt tiền. Cuộc chơi trên thị trường vàng trang sức, đang là bức tranh đối lập giữa các doanh nghiệp nhỏ và đại gia.