Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 và viễn cảnh đáng buồn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capitals – VCs) trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Việc tập đoàn SoftBank lỗ kỷ lục vì thua canh bạc 80 tỷ USD đầu tư vào các startup "không gặp thời", càng khiến tâm lý những nhà đầu tư thiên thần (angel investors) trở nên lo ngại, rụt rè.
Khoản đầu tư sai lầm dẫn đến con số thâm hụt "chưa từng có tiền lệ" của một người từng biến khoản đầu tư vào Alibaba trị giá 20 triệu USD thành khối tài sản lên tới 130 tỷ USD chỉ sau 20 năm, khiến giới đầu tư quan ngại: Kỳ lân nào mới thực sự là canh bạc "được ăn cả"?
SoftBank thua lỗ kỷ lục khi đặt cược vào Uber hay WeWork
Các biện pháp giãn cách xã hội làm thay đổi hoàn toàn những mô hình kinh doanh truyền thống trước đây, thúc đẩy quá trình số hóa ngay cả ở những ngành đặc thù như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Risto Rossar, người sáng lập đồng thời là CEO của nền tảng phần mềm bảo hiểm kỹ thuật số Insly nhận định rằng, chỉ những công ty thông minh, chấp nhận "thích nghi" và chuyển đổi mới có thể tồn tại giữa đại dịch.
Những startup công nghệ như WeWork và Uber, ngỡ tưởng rằng sẽ nổ ra phát súng tiên phong cho nền kinh tế chia sẻ, nay trở thành "kỳ lân sa lầy" vì dịch COVID-19, nhường chỗ cho những "kỳ lân kỹ thuật số" tuy mới nhưng lại đáng để mạo hiểm.
Điển hình là các start-up "gặp thời" với dòng vốn huy động lớn như dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số Remitly, hay công ty video call trực tuyến Karat. Những công ty khởi nghiệp này thỏa sức "vẫy vùng" như "cá gặp nước" trước làn sóng lây nhiễm của đại dịch.
Ông lớn công nghệ hưởng lợi nhất từ hiện tượng "thiên nga đen" COVID-19 phải kể đến Netflix. Dịch vụ xem video trực tuyến này của Mỹ trở thành khoản đầu tư được "săn đón" nhất toàn cầu, khi mà dãn cách xã hội buộc các dịch vụ giải trí phải đóng cửa.
Ông lớn công nghệ hưởng lợi nhất từ hiện tượng "thiên nga đen" COVID-19 phải kể đến Netflix
Sequoia Capital, cái tên lớn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Mỹ, mới đây cũng mạnh tay rót vốn vào nền tảng bất động sản trực tuyến Beike Zhaofang tại Trung Quốc và hãng công nghệ giáo dục giá trị nhất hành tinh Byju của Ấn Độ.
Cơn lốc về tốc độ tăng trưởng của các kỳ lân kỹ thuật số chính là minh chứng cho một cuộc tái khởi động của nền kinh tế, trong bối cảnh số hóa được thúc đẩy diện rộng, đẩy nhiều doanh nghiệp "sa lầy" nhưng cũng tạo ra vô số cơ hội cho những ai nhanh chóng nắm bắt.
“Thiên nga đen” là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Thuật ngữ này do Giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb, một cựu thương nhân Phố Wall là người đầu tiên đề xuất, được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có, thậm chí cũng chưa chắc có khả năng xảy ra nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!