Thiếu lao động, doanh nghiệp tuyển người ngay tại bến xe, bến tàu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 23/02/2024 21:30 GMT+7

VTV.vn - Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong cả năm nay là hơn 1 triệu lao động. Nhưng để việc không phải chờ người, nhiều giải pháp đã được triển khai.

Các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước ngay sau Tết đang cần tuyển một lượng lớn các công nhân để sản xuất. Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong cả năm nay là hơn 1 triệu lao động. Nhưng để việc không phải chờ người, nhiều giải pháp đang được triển khai.

Như TP. Hồ Chí Minh đón người lao động trở lại làm việc sau nghỉ Tết tại các cửa ngõ, như bến tàu, bến xe. Hoạt động này được Trung tâm dịch vụ việc làm cùng các doanh nghiệp phối hợp thực hiện, để tuyển dụng được đủ lao động cho sản xuất kinh doanh vốn đang khởi sắc ngay sau Tết.

Nguyễn Tâm Thành, sinh viên học tại TP. Hồ Chí Minh vừa từ tỉnh Phú Thọ quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết. Vừa đặt chân xuống sân ga, Thành đã được giới thiệu một công việc bán thời gian, vừa hay đúng thời điểm đang có nhu cầu làm thêm. Thành cho biết, sinh viên cần công việc để  trang trải cuộc sống và quan trọng là có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc.

Những doanh nghiệp đặt trụ sở tuyển dụng tại sân ga thường có nhu cầu khá lớn về số lượng người lao động, bao gồm cả doanh nghiệp dịch vụ và doanh nghiệp sản xuất. Thông thường, họ vẫn tuyển dụng qua website, qua các hội chợ việc làm tại các trường, nhưng sau Tết, nguồn cung vẫn chưa đủ cầu.

Chị Đặng Lê Cẩm Nhung - Giám sát tuyển dụng, công ty CP Takahiro cho biết: "Nhu cầu bên tôi là tuyển từ 300-400 lao động, có cả part time và full time. Hàng ngày khi người lao động từ các tỉnh đổ về, bên tôi sẽ đưa những thông tin tuyển dụng trực tiếp đến tay họ. Khi họ có nhu cầu tuyển dụng thì họ có thể đến trực tiếp bàn để nghe tư vấn".

Mỗi ngày, trong giờ hành chính có từ 4-5 chuyến tàu đưa hành khách từ các tỉnh thành trong cả nước tới TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nguồn lao động tương đối dồi dào mà các doanh nghiệp kỳ vọng có thể tuyển dụng được cho các vị trí, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng nhu cầu tuyển dụng thông qua trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, số doanh nghiêp đăng ký thời điểm này là 124 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng hơn 21.000 người lao động, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng may mặc, giày da, điện tử.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Người lao động có thể tin tưởng và chúng tôi hoàn toàn giới thiệu miễn phí. Có thể hôm nay người lao động chưa tiếp cận được công việc ngay tại điểm tư vấn này, nhưng đó là điểm mà chúng tôi treo rất rõ các địa chỉ như Zalo, Facebook".

"Sau dịp Tết Nguyên đán năm 2024 cần khoảng 52.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung ở các khu vực thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng" - Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã Hội TP Hồ Chí Minh nhận định.

Sau Tết, người lao động chưa trở lại thành phố hoàn toàn, trong khi tại nhiều doanh nghiệp, đơn đặt hàng đang dồn dập đến hết quý I và đã có đến hết quý II. Thành phố đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để tìm kiếm cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động. Theo khảo sát, hiện nhu cầu về nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp chiếm gần 87% trong tổng nhu cầu tuyển dụng.

Thiếu lao động, doanh nghiệp tuyển người ngay tại bến xe, bến tàu - Ảnh 1.

Hiện nhu cầu về nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp chiếm gần 87% trong tổng nhu cầu tuyển dụng

Khó tuyển dụng lao động sau Tết

Tại khu vực phía bắc, sau một năm trầm lắng, những ngày đầu năm mới, nhiều công ty tại các khu công nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Điều này cho thấy làn sóng cắt giảm việc làm ở không ít ngành đã bắt đầu hạ nhiệt. Đây là một tín hiệu vui nhưng cũng có một thực tế là doanh nghiệp không dễ dàng tuyển được lao động.

Đi làm ngay, trình độ từ hết THCS đến đại học. Nhiều công ty chỉ yêu cầu người lao động đáp ứng những yêu cầu như vậy. Nhưng số người đến dự tuyển cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Hà Vi Thực- Người tìm kiếm việc làm chia sẻ mong muốn công ty mới có chế độ lương và môi trường làm việc tốt hơn công ty cũ.  Anh Hoàng Văn Minh - Người tìm kiếm việc làm cho biết, do chế độ đãi ngộ tốt nên anh mong muốn xin vào công ty làm việc.

Chị Nguyễn Thị Chinh - Nhân viên tuyển dụng công ty HYOSUNG chia sẻ tiêu chí tuyển dụng "Đối với các đối tượng nam, sẽ nhận các bạn đạt từ trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi. Các bạn phải là người có sức khỏe tốt".

Các ngành điện tử, dệt may, xây dựng… là nhóm ngành tuyển dụng lao động nhiều nhất hiện nay. Nguyên nhân chính là do có nhiều đơn hàng quay trở lại và nhu cầu mở rộng sản xuất trong năm 2024.

Có mức lương khá cạnh tranh, công ty sản xuất máy rút tiền này đang cần tuyển dụng thêm 250 lao động cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề nhưng những ngày qua số người đến nộp hồ sơ rất ít.

Ông Lee Dong Young - Giám đốc đối ngoại Công ty HYOSUNG cho biết: "So với năm trước, lượng đơn hàng của nhà máy tăng lên khoảng 30%, nên bắt đầu từ đầu năm đến hiện tại, công ty đang thực hiện tuyển dụng thêm khoảng 250 lao động mới. Nhưng thời điểm này khi các công ty đều tuyển dụng thì khó tuyển mới".

Mức lương công khai 9 triệu đồng/tháng kèm tiền thưởng cùng các chế độ đãi ngộ khác nhưng công ty sản xuất thấu kính này phải thừa nhận để tuyển đủ 3.000 lao động theo như kế hoạch năm 2024 là một thách thức.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 3000 lao động trong năm nay. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tình hình tuyển dụng gặp khá nhiều khó khăn, vì lao động kĩ thuật có tay nghề trong khu vực không nhiều và số lượng ứng viên đến ứng tuyển cũng không nhiều. Chúng tôi đang áp dụng rất nhiều kênh tuyển dụng. Hi vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu tuyển dụng trong khoảng thời gian sớm nhất" - ông Zhou Jian Chao - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Laser IBe Việt Nam chia sẻ.

Tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, sản xuất đang dần hồi phục do có nhiều đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động cả lao động phổ thông lẫn kỹ thuật vẫn đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Nhu cầu tuyển nhân lực qua đào tạo

Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2024 là hơn 1 triệu lao động, sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Dịch vụ: 56%; Công nghiệp - xây dựng: 37%; Nông - Lâm - Thuỷ sản: 7%.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là: thương mại, bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, hậu cần hàng hải (logistic), du lịch… Trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng các ngành cần tuyển dụng nhiều là công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giầy, cơ khí, điện, điện tử và công nghệ thông tin…

Sau Tết, số lượng việc làm mới tăng lên đáng kể. Nhưng yêu cầu về trình độ của người lao động cần tuyển cũng cao hơn. Các công ty lớn đều có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo để phục vụ cho việc phát triển, mở rộng sản xuất.

Thông thường, doanh nghiệp này tuyển dụng lao động phổ thông nhiều hơn nhưng năm nay nhà máy lại cần lao động kỹ thuật để vận hành các dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Những vị trí lao động kỹ thuật sẽ là tuyển dụng mới chứ không phải thay thế lao động hiện có.

Ông Lee Dong Young - Giám đốc đối ngoại Công ty HYOSUNG chia sẻ: "Trong số người tuyển mới, số lao động kỹ thuật có trình độ cao lên đến hơn 20%. Số này rất khó tuyển và tuyển được người đủ trình độ lại càng khó hơn. Và chúng tôi lại rất mất công đào tạo, đào tạo được rồi lại dễ mất lao động".

Hiện nay, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang có chủ trương ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao không thâm dụng nhiều lao động đến đầu tư, sản xuất. Vì vậy, số lao động tuyển mới không quá nhiều nhưng phải đáp ứng yêu cầu đã qua đào tạo.

"Các công ty cũng tuyển dụng có chọn lọc, có những lao động đòi hỏi phải qua đào tạo, đáp ứng được yêu cầu về cải tiến, nâng cao công nghệ của nhà sản xuất", ông Nguyễn Đức Cao - Phó Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến.

Việt Nam vẫn đứng trong top những nước thu hút đầu tư hàng đầu thế giới. Nhiều công ty của các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có ý định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Song nhiều công ty gặp khó khăn khi số lượng lao động có tay nghề tại Việt Nam chưa đáp ứng được.

Ông Chou I Wen - Phó tổng giám đốc Tập đoàn, phụ trách Tổng bộ Foxconn Việt Nam tiết lộ: "Trong năm 2024, tập đoàn dự kiến tuyển thêm khoảng 27.000 lao động tại Việt Nam. Vì là tập đoàn có công nghệ kỹ thuật cao, nên nguồn lao động tuyển dụng phải là công nhân có trình độ kỹ thuật, trong đó bao gồm cả đội ngũ kỹ sư".

Với hơn 1 triệu lao động cần tuyển mới, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ chiếm đến 80%. Trong đó số lao động qua đào tạo cần tuyển lên đến 20%, tăng 10% so với mọi năm.

"Tôi nhận thấy sự dịch chuyển có thay đổi, tức là nhu cầu về nhân sự nhân công cũng như chuỗi giá trị cao hơn. Ví dụ người ta chuyển giao công nghệ liên quan đến thiết kế sang đến Việt Nam vì họ nhận thấy rằng năng lực của người lao động Việt Nam đã có thể đảm nhiệm phần này hay chỉ đơn thuần là phần gia công", bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Công ty NavigosSearch nhận định.

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho biết: "Tuyển dụng vào chủ yếu là đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và thay thế lao động, tăng trưởng việc làm mới so với năm trước tăng nhưng không cao".

Theo các chuyên gia, thị trường lao động sẽ sôi động vào dịp đầu năm do người lao động chuyển việc nhiều hơn. Tuy nhiên, phải tới giữa năm hoặc cuối năm 2024, thị trường lao động mới thực sự tốt lên. Vì vậy, người lao động cần cân nhắc trước khi chuyển việc và phải tự đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ thích ứng với các yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước