Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo, đến hết quý 1 năm nay, các doanh nghiệp trên cả nước cần tuyển gần 400.000 người lao động.
Hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất phía Nam đã hoạt động trở lại sau Tết. Nhiều địa phương cho biết, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc đạt trên 90%; có thể sẽ có tình trạng doanh nghiệp sẽ thiếu lao động cục bộ trong năm nay, đặc biệt là doanh nghiệp ở phía Nam và miền Trung.
Bộ sẽ tiếp tục theo dõi về nhu cầu tuyển dụng và cắt giảm lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, sản xuất gỗ… để đề xuất những phương án kết nối cung - cầu lao động.
Như vậy, có thể đây chính là thời điểm vàng của tuyển dụng lao động. Tuy nhiên hiện nay, thị trường lao động trong nước đang có những chuyển đổi nhanh chóng, nhưng chất lượng nhân lực được xem là còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Ngọc Lan - chuyên gia lao động - việc làm, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Search Việt Nam.
Đến hết quý 1 năm nay, các doanh nghiệp trên cả nước cần tuyển gần 400.000 người lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
PV: Thưa bà, mới hôm qua, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã đưa ra nhận định: nhóm lao động dễ bị tổn thương đang là một thách thức, là nhân tố khiến chuyển đổi thị trường lao động chưa bền vững? Bà có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Việt Nam: Từ trước đến nay, chúng ta hay nói về nhóm lao động chính thức, đó là nhóm lao động thường được bảo vệ bởi pháp luật và nhiều điều kiện ràng buộc đi kèm, tuy nhiên nhóm lao động phi chính thức hoặc làm việc ở khu vực chính thức nhưng ràng buộc với hình thức phi chính thức, ví dụ như lao động thời vụ, là nhóm lao động dễ bị tổn thương. Đơn cử, nhóm lao động phi chính thức thường không có hợp đồng, có thể giao kết; thứ hai là mức lương họ được trả thấp hơn nhiều so với lao động chính thức, khoảng 50 - 60% so với lao động chính thức; thứ ba là số lao động được qua đào tạo là rất thấp. Vì vậy khi có thay đổi, đặc biệt là thay đổi liên quan đến điều kiện lao động hoặc thay đổi liên quan đến yếu tố tình hình kinh doanh thì họ là đối tượng dễ bị tác động nhất và họ khó có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt trong tương lai.
PV: Vấn đề chuyển đổi cơ cấu lao động hiện nay đang rất được quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố này nên đi trước một bước, để đón đầu những thay đổi, những xu hướng hiện nay như là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vậy theo bà, các doanh nghiệp đang kỳ vọng ra sao về việc nâng cấp chất lượng lao động hiện tại, để đáp ứng các thay đổi?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Việt Nam: Việt Nam có tỷ lệ dân số lớn, số người trong độ tuổi lao động rất cao và là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta đã trải qua giai đoạn các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam chỉ để tìm lao động nhân công giá rẻ và chưa qua đào tạo.
Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, bây giờ thế giới đã thay đổi nhiều, họ đã robot hóa, công nghiệp hóa, tất cả hệ thống tự động, vậy khi họ tìm đến đây họ cần lao động đã qua đào tạo. Đơn cử có những đơn vị xây dựng nhà máy ở Việt Nam, thậm chí không tuyển lao động phổ thông, mà chủ yếu là tuyển công nhân có kỹ thuật, đã được đào tạo nghề hoặc ở trình độ nghề hoặc cao đẳng, đại học. Vì họ mới có khả năng sử dụng thao tác trên máy móc. Do đó, bây giờ khi các doanh nghiệp tìm đến Việt Nam luôn đặt ra vấn đề lao động đã qua đào tạo hay chưa, chất lượng đào tạo là như thế nào.
PV: Vậy theo bà, giải pháp đặt ra là gì để nâng cao chất lượng lao động, giảm thiểu các rủi ro, thiếu bền vững của thị trường lao động?
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía Bắc Navigos Việt Nam: Đầu tiên chúng ta phải nhìn đến vấn đề vĩ mô. Vĩ mô là tính toàn cầu cũng như ở Việt Nam và trong khu vực. Ở trên toàn cầu, chúng ta phải nhận định xem xu hướng của toàn cầu hóa và công việc trên toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào. Gần đây là ChatGPT, rõ ràng công việc bị ảnh hưởng và ảnh hưởng không chỉ đến lao động phổ thông, mà thậm chí là lao động cấp cao. Thứ hai, từ phía nhà nước, Chính phủ đang có hoạch định như thế nào liên quan đến các đối trọng của ngành kinh tế của chúng ta, mũi nhọn chúng ta cần đi là như thế nào, từ đó mới có thể song hành được với các kế hoạch liên quan đến đào tạo và quy hoạch lao động. Thứ ba, khi nói về đào tạo và nâng cao chất lượng lao động, chúng ta không chỉ nói đơn lẻ, chỉ nhà nước làm hoặc chỉ doanh nghiệp làm, hoặc chỉ một đơn vị giáo dục đào tạo làm mà nó là sự kết hợp.
Việc kết hợp giữa các yếu tố doanh nghiệp, cơ quan, bộ ngành, sự hoạch định của Chính phủ cũng như xem xét xu hướng từ phía nước ngoài, đặc biệt cần làm việc với chuyên gia nước ngoài để xem xu hướng thị trường lao động nước ngoài và cơ cấu ngành nghề nước ngoài như thế nào, từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc nâng cao chất lượng lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!