Thổ Nhĩ Kỳ - Thị trường tiềm năng của tiêu Việt Nam

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ hai, ngày 15/11/2021 14:29 GMT+7

VTV.vn - Tiêu Việt được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn giá cả, nhưng liệu các doanh nghiệp Việt đã nhìn nhận được hết tiềm năng của hạt tiêu Việt Nam khi đi ra thế giới?

Trong số các nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hạt tiêu được xem là một trong những mặt hàng được ưa chuộng hàng đầu. Hiện hạt tiêu Việt Nam chiếm tới 60% thị phần tiêu xuất khẩu của cả thế giới.

Ghi nhận tại nhà máy chế biến rộng hơn 20.000 m2 của Công ty kinh doanh gia vị Bagdat Baharat, để đáp ứng nhu cầu thị trường, đều đặn mỗi tháng doanh nghiệp nhập 4 container tiêu từ Việt Nam. Cả cung ứng trong nước và xuất khẩu, Bagdat Baharat hầu như chỉ nhập tiêu từ Việt Nam, không lấy từ bất kỳ nơi nào khác.

"Tiêu nhập từ Việt Nam thường thơm hơn các nước khác, chất lượng khá ổn định và giá cả lại phải chăng", ông Yuksel Danaci, Tổng Giám đốc Công ty Bagdat Baharat, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

Tiêu Việt Nam nhập về được kiểm nghiệm kỹ lưỡng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước, tiêu không đơn thuần là một gia vị điểm xuyết, tạo vị cay... Khẩu vị với tiêu phong phú. Tiêu đỏ, tiêu trắng, tiêu đen... nhu cầu đa dạng, vì vậy thị trường diễn ra sôi động.

Thổ Nhĩ Kỳ - Thị trường tiềm năng của tiêu Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện hạt tiêu Việt Nam chiếm tới 60% thị phần tiêu xuất khẩu của cả thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Tiêu đỏ chuyên dùng để ướp thịt. Trong khi tiêu trắng được các nhà hàng ưa chuộng, để rắc vào món ăn sau khi đã nấu chín. Chúng tôi còn có loại hỗn hợp để mang tới một hương vị hoàn toàn mới. Nhưng dù là loại nào, tiêu Việt Nam cũng đều được đánh giá cao, bởi mùi thơm và nhất là sau khi xay, màu sắc thường sáng hơn tiêu các nước khác. Đây là điều khiến người tiêu dùng đặc biệt ưa thích", ông Tevfik Donmez, Chủ tịch Công ty Donmezler Baharat, Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ.

Được các nhà buôn ưa chuộng, nhưng trên thị trường, tiêu Việt Nam vẫn không được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi tiêu Việt vẫn chủ yếu phải "gửi mình" vào thương hiệu của các nhà nhập khẩu.

"Để xây dựng thương hiệu, đó là một việc tốn rất nhiều công sức và chi phí. Điều này thường nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng một thương hiệu chung, ví dụ trước đây Cục Xúc tiến thương mại đã có thương hiệu Việt Value để dùng cho các sản phẩm của Việt Nam, hay chúng ta có thể dùng các chỉ dẫn địa lý, để phát triển mặt hàng xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm", Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Có những nông sản của Việt Nam, như hạt tiêu hiện nay đang chiếm phần lớn thị phần của thế giới. Tuy nhiên không chỉ người nước ngoài, mà chính những người Việt Nam nhiều khi cũng không biết được điều đó. Đây không phải là điều lạ khi nhiều nông sản của Việt Nam có giá trị, nhưng việc thổi hồn cho các nông sản đó lại đang phó mặc cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Giá tiêu tăng mạnh - Cơ hội tái cơ cấu ngành? Giá tiêu tăng mạnh - Cơ hội tái cơ cấu ngành?

VTV.vn - Hiện giá hạt tiêu đang neo ở mức cao nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, tiêu Việt Nam chủ yếu ở dạng thô, giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước