Các DN xuất khẩu kỳ vọng như thế nào? Ví dụ như với gạo, trả lời tờ Người lao động, một DN cho biết, sau hiệp định này, EU sẽ chấp nhận cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 - 100.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Đây là hạn mức rất cao so với hiện nay chỉ khoảng 24.000 tấn/năm và thuế ở mức cao, không cạnh tranh được với các quốc gia khác như Campuchia, Thái Lan.
Hay với ngành thủy sản, một DN cho biết hiện họ chỉ xuất sang EU 10% tổng sản lượng. Dù chưa rõ tác động của hiệp định ở mức độ nào nhưng tin tưởng là tỷ lệ này nhất định sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm 2019, dù chưa ký kết EVFTA, thị trường EU đã tăng nhập khẩu thủy sản tới hơn 30% do nhu cầu lớn với mặt hàng này.
Ở góc nhìn khác, không chỉ là cái lợi về xuất khẩu, trang Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online viết: "EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. Nhờ có hiệp định này, các công ty châu Âu có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!