Thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật lừa đảo qua điện thoại

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 03/10/2019 10:12 GMT+7

VTV.vn - Để lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng giả danh cơ quan tố tụng đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi để tăng thêm niềm tin cho các nạn nhân.

Hiện nay, nhiều đối tượng đã giả danh công an, Viện Kiểm sát, tòa án gọi điện cho các các nạn nhân thông báo rằng họ đang liên quan tới một vụ án nào đó và yêu cầu người dân phải gửi tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp.

Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã có hàng ngàn người dân là nạn nhân của loại tội phạm này và bị lừa đảo với số tiền từ vài 300 triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng.

"Từ một số điện thoại, có một người đàn ông hỏi tôi là có quen với Hùng Chột không? Tôi nói là không quen. Ông ta nói Hùng Chột là một trùm ma túy. Hiện nay Hùng Chột đã bị bắt và khai tôi là một mắt xích chuyên tiêu thụ ma túy tại Hà Nội. Nên tôi rất lo sợ. Anh ta còn nói đây là một vụ án ma túy rất quan trọng. Nếu tôi để lộ thông tin nghĩa là lộ bí mật quốc gia và sẽ bị tù hàng chục năm" - chị Hoàng Lệ Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Đúng như kịch bản, tiếp ngay sau cuộc điện thoại trên, một kẻ giấu mặt khác gọi điện cho chị Thúy, tự xưng là người phụ trách điều tra vụ án. Người này đã hướng dẫn cho chị vào website của Viện Kiểm sát nhân dân và website công an. Chị đã hoảng hốt khi thấy mình đang có ảnh đang bị truy nã trên mạng cùng một lệnh bắt giam.

Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các trang web và lệnh truy nã ở trên của chị Thúy đều là giả.

Ngoài làm giả lệnh truy nã, các số điện thoại gọi cho nạn nhân cũng được làm tương đối gần giống với các số điện thoại của các cơ quan công an, hay Viện Kiểm sát nhân dân để tăng thêm niềm tin cho các nạn nhân, dễ dàng cho việc đe dọa.

Sau khi yêu cầu được nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản đã cung cấp, các đối tượng này đã nhanh chóng chia nhỏ số tiền để rút và cắt liên lạc. Thời điểm các đối tượng lừa đảo rút tiền thường vào trưa, tối hoặc cuối tuần, để nạn nhân dù có phát hiện ra thì cũng không kịp ngăn chặn.

Cũng theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, sau khi nhận được tiền lừa đảo, các đối tượng trên thường dùng tiền để mua các loại tiền ảo, nhằm thực hiện hành vi rửa tiền.

Cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan nhà nước lừa đảo qua điện thoại Cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan nhà nước lừa đảo qua điện thoại

VTV.vn - Các đối tượng lừa đảo đã giả danh công an, gọi điện cho người dân và cho biết họ đang dính vào một vụ án nào đó, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước