Rác thải là một vấn đề lớn của nước Mỹ. Rác ngày càng lớn trong những năm gần đây. Đặc biệt khi dịch COVID xuất hiện, rác thải y tế còn nặng nề hơn.
Trang Bloomberg bình luận: "Khoảng 2,2kg rác/người/ngày, nước Mỹ là quốc gia thải rác lớn nhất thế giới". Trong số 292 triệu tấn rác như năm 2018, một nửa được mang đi chôn, 32% được tái chế, phần còn lại được đốt làm nhiệt điện.
Nhật báo phố Wall cho biết, cái khó của nhiều thành phố lớn trong thời kỳ COVID-19 là ngân sách thu gom rác bị cắt giảm khiến rác bị thải ra quá mức kiểm soát. Như thành phố New York, trong thời kỳ dịch bùng phát, tần suất thu gom rác đã bị cắt giảm tới 63%.
Vì vậy, nhiều người phàn nàn rằng họ "không nhận ra nổi nơi mình đang sinh sống" hay "rác dường như chưa bao giờ biến mất".
Rác thải là một vấn đề lớn của nước Mỹ. Rác ngày càng lớn trong những năm gần đây. (Ảnh: USA Today)
Trong khi rác trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, nhiều thành phố, rác lại đang mang lại cơ hội với nhiều người. Mô hình các công ty thu gom và xử lý rác tư nhân bắt đầu phát triển.
Trang The Street nhận định rác thải là một ngành kinh doanh tuyệt vời. Cổ phiếu của các công ty thu gom rác thải trong 2 năm vừa qua tăng giá khoảng 60%. Quản lý rác thải không giống như bán những chiếc iPhone giá hàng ngàn USD, nhưng việc thu gom và xử lý rác, đặc biệt rác thải y tế, đang mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty.
CNBC cho biết, đầu tư bãi rác là khá đắt đỏ. Vì vậy, các công ty tư nhân đang thay chính quyền các thành phố làm việc này trên khắp nước Mỹ. Đổi lại, họ thu lợi nhuận từ 2 nguồn: Thứ nhất là phí đổ rác, ví dụ năm 2020, phí đổ rác ở các đô thị là hơn 53 USD/tấn nên một bãi rác cỡ nhỏ cũng thu được 43 triệu USD/năm; Thứ hai là khai thác khí đốt từ rác đã được chôn lấp. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, khí từ bãi rác tạo ra 10,5 tỷ kWh điện mỗi năm, nghĩa là đủ điện dùng cả năm cho hơn 800.000 hộ.
Theo Ngân hàng Thế giới, nhân loại đang thải ra 2 tỷ tấn rác mỗi năm, đến năm 2050 con số này sẽ là 3,4 tỷ tấn. Trong khi đó nước Mỹ, nước thải ra nhiều rác nhất mới đang tái chế được 34,6% số rác thải, các nước kém phát triển hơn là 3,7%. Tuy nhiên nhờ mô hình kết hợp công tư và đầu tư vào công nghệ lý tưởng, tỷ lệ tái chế rác có thể đạt tới 70% vào tương lai không xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!