Sự kiện được giới công nghệ và khởi nghiệp quan tâm trong suốt mấy ngày qua đó là Triển lãm đổi mới sáng tạo Quốc tế đang diễn ra tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở Hoà Lạc, TP Hà Nội. Hàng loạt sự kiện, hội thảo đã diễn ra từ ngày 28/10 vừa qua. Điểm nhấn của ngày 30/10 là Diễn đàn Quỹ Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, quy tụ hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều sản phẩm công nghệ được giới thiệu tại Triển lãm năm nay cho thấy sức sáng tạo của các doanh nghiệp Việt. Nhìn rộng ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức tích cực.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu 2023, Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Đồng thời, chúng ta đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Tại Diễn đàn ngày 30/10, rất nhiều quỹ đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm đến một nền kinh tế trẻ nhưng đầy năng động như Việt Nam
Các quỹ đầu tư lớn muốn rót vốn vào Việt Nam
Đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm Openspace Ventures cho biết, quy mô của họ hiện nay là 850 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Thời gian qua họ đã rót vốn vào 2 công ty khởi nghiệp của Việt Nam và đang mong muốn tìm kiếm những cơ hội khác.
Bà Thái Vân Linh, Cố vấn cấp cao quỹ đầu tư Openspace Ventures, nhận định: "Việt Nam là một quốc gia mà người dân ở đây cảm giác là những người khởi nghiệp, nghĩa là tinh thần ở Việt Nam rất tích cực, mọi người rất chủ động, chăm chỉ trong công việc".
Trong hơn một thập kỷ qua, quỹ đầu tư mạo hiểm này đã rót vốn vào hơn chục dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, với giá trị lên đến hơn 50 triệu USD. Họ kỳ vọng, trong 10 năm tới, con số này có thể nhân lên gấp đôi, gấp ba.
Ông Vinnie Lauria, thành viên sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, cho biết: "Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng ấn tượng như GDP tăng 8% vào năm ngoái. Đặc biệt, chúng ta cũng chứng kiến những cái tên lớn trong lĩnh vực công nghệ mở rộng hoạt động tại Việt Nam như Intel, Samsung, Google, Foxconn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty công nghệ trong các lĩnh vực: y tế, khí hậu, giáo dục, fintech và năng lượng hydro".
Diễn đàn năm nay cũng chứng kiến Lễ cam kết của 30 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, trong việc hỗ trợ Việt Nam mở rộng và quốc tế hoá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong số đó có những quỹ đã đầu tư hàng chục triệu đô tại Việt Nam, có những quỹ lần đầu đặt chân đến, nhưng cũng đầy hứng khởi.
Ông Francis Giglio, Giám đốc toàn cầu, BNY Mellon, nhận định: "Việt Nam đang có những cơ hội và đặc điểm mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng sở hữu như là dân số đông, kinh tế ổn định, nguồn nhân lực tốt, đặc biệt là thế hệ những người sáng lập các công ty khởi nghiệp, rất năng động và có trình độ. Chúng tôi có mặt tại đây ngày hôm nay để làm cầu nối cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài".
Trong 5 ngày diễn ra triển lãm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những buổi làm việc riêng với các đối tác, doanh nghiệp lớn đến từ Mĩ, Nhật Bản để thúc đẩy và lắng nghe mong muốn từ các nhà đầu tư.
Sự quan tâm của các quỹ đầu tư là có. Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Những người quan sát thị trường lâu năm cho rằng, lĩnh vực công nghệ đang trải qua "mùa đông gọi vốn" do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.
Sau năm 2021 bùng nổ khi đạt gần 1,54 tỷ USD, vốn đầu tư vào startup Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022. Báo cáo của Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, tổng số vốn đầu tư rót vào startup trong năm ngoái chỉ đạt 634 triệu USD, giảm hơn 50%.
Bước sang 6 tháng đầu năm, tình hình vẫn chưa khả quan hơn khi các startup chỉ gọi được 413 triệu USD, tương đương mức của năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thị trường rất cần những chính sách, cơ chế vượt trội để "xua tan mùa đông lạnh lẽo".
Cần thêm cơ chế để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm quốc tế
Chia sẻ trong phiên thảo luận Chiến lược cho Việt Nam chuyển đổi, đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nguồn lực con người là quan trọng nhất, dẫn chứng từ ví dụ Hàn Quốc đầu tư cho nguồn lực con người để trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Ông Anwar Aridi, chuyên gia cao cấp về chính sách đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho biết: "Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong năm 2045. Mấu chốt ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là đầu tư vào nguồn lực con người. Theo báo cáo của chúng tôi vào tháng 8/2022, tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của học sinh Việt Nam chỉ là là gần 30% trong khi Hàn Quốc khoảng 60%. Do vậy. vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng nữa".
Việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được cho là sự kiện quan trọng cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Đây cũng là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới, góp phần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Song, vẫn cần hơn nữa sự kết nối từ phía Chính phủ.
Ông Max Walter, cố vấn cấp cao chính sách công nghiệp, Viện Tony Blair, cho biết: "Chính phủ Việt Nam có thể chủ động hơn nữa trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng các ưu đãi thuế, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, đồng thời, tạo những cơ chế liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, để Việt Nam có thể nhận chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến".
Đến nay, Việt Nam có hơn 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo nghị định 38 năm 2019 của Chính phủ, với tổng vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, các quỹ này đang gặp một số rào cản về pháp lý như: không có tư cách pháp nhân; tối đa 30 thành viên là các nhà đầu tư cá nhân; không được góp vốn bằng ngoại tệ... Một cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn là điều các nhà đầu tư đang chờ đón.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, làm sao tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định về quỹ đầu tư, làm sao để thành lập nhanh hơn, giải ngân tốt hơn".
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đang đề xuất xây dựng đề án thành lập các trung tâm thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu, đả m bảo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 50.000 kĩ sư, chuyên gia trong ngành bán dẫn, để thu hút các doanh nghiệp, quỹ đầu tư toàn cầu
Tuy nhiên, một tín hiệu lạc quan khi báo cáo của Do Venture chỉ ra, gần 100% các nhà đầu tư được hỏi khẳng định ít nhất sẽ giữ mức độ rót vốn như hiện tại. Trong trung hạn, sức hẫn dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn rất lớn.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sau khi được thành lập, được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, góp phần thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước với lĩnh vực này
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!